Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện còn 12.197 căn hộ và nền đất tái định cư (9.589 căn hộ và 2.688 nền đất) chưa sử dụng, trong đó cần phải bán đấu giá 5.075 căn hộ và nền đất để thu hồi vốn.
Thế nhưng, trong giai đoạn 2021 - 2025, khi thành phố triển khai 226 dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng sẽ cần một số lượng nhà tái định cư rất lớn để bố trí nhà ở cho người dân. Theo dự báo, sẽ có khoảng 44 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, trong đó, có khoảng 16.800 hộ nhận tiền tự lo chỗ ở mới; 27.200 trường hợp có nhu cầu tái định cư.
Trước mắt, trong năm 2019, thành phố sẽ triển khai thực hiện khoảng 300 dự án chỉnh trang đô thị, công ích, ảnh hưởng đến 19 nghìn hộ gia đình, cá nhân; trong đó có 187 dự án hạ tầng kỹ thuật, 73 dự án hạ tầng công trình công cộng và 40 dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven và trên kênh, rạch. Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân cho biết, trong năm 2019, quận cần giải tỏa 1.771 trường hợp thuộc các dự án nhà ven, trên kênh, rạch, trong đó giải tỏa toàn bộ 1.223 hộ dân, giải tỏa một phần 479 trường hợp. Ước tính tất cả các hộ dân đều có nhu cầu tái định cư, do đó, quận 4 sẽ cần 1.223 căn hộ để bố trí.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trước tiên, phải sử dụng hết quỹ nhà tái định cư đang có, hạn chế đến mức thấp nhất việc xây mới nhà tái định cư bằng ngân sách nhà nước để tránh lãng phí, thất thoát. Thời gian qua, có những dự án tái định cư hoàn thành khá lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí và căn hộ ngày càng xuống cấp. Nhằm giải quyết triệt để tình trạng này, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện có nhu cầu nhà tái định cư phải đăng ký với Sở Xây dựng để tổng hợp, kiểm tra, xem xét và tham mưu UBND thành phố quyết định việc phân bổ. Lãnh đạo UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký, cuối năm phải báo cáo UBND thành phố việc sử dụng quỹ nhà đăng ký trong năm như thế nào. Chậm nhất là đến đầu tháng 4, các quận, huyện phải đăng ký qua Sở Xây dựng nhu cầu sử dụng quỹ nhà của địa phương mình trong năm 2019. Trên cơ sở đề xuất nhu cầu của các quận, huyện, đến cuối năm, Sở Xây dựng sẽ rà soát, đánh giá lại, nếu không sử dụng hết, sẽ thu hồi.
Ngoài ra, với đặc thù riêng, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ dành ra quỹ nhà tái định cư để sử dụng cho những tình huống khẩn cấp như tình trạng chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1) bị nghiêng, lún vừa qua; hay do sạt lở, cháy nổ ngoài ý muốn để bố trí kịp thời chỗ ở tạm cư, tái định cư cho người dân.
Liên quan việc tái định cư, UBND quận 4 có kiến nghị được dùng tiền ngân sách để thực hiện hai dự án cải tạo nhà ở ven kênh, rạch và tái định cư. Tuy nhiên, UBND thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý phương án này; đồng thời yêu cầu, trong thời gian tới, quận 4 có nhu cầu tái định cư sẽ hợp tác với doanh nghiệp (DN) để phát triển dự án, cần bao nhiêu mua bấy nhiêu, phần còn lại DN chủ động bán theo phương án kinh doanh của họ.
Không chỉ quận 4, từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách. Thành phố cũng tập trung rà soát, bố trí các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn quận, huyện và sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để tái đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư phục vụ cho Chương trình chỉnh trang đô thị.
Cùng với đó, trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân và các dự án nhà ở thương mại mà DN đang xây dựng, TP Hồ Chí Minh sẽ đăng ký mua lại để bảo đảm tái định cư tại chỗ cho người dân. Thành phố cũng cam kết, nếu không có nhu cầu thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DN tự kinh doanh quỹ nhà mà trước đó thành phố đã đăng ký mua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn nhất quán về chủ trương xây nhà tái định cư phải được xem xét giải quyết một cách toàn diện, hài hòa trên các mặt. Tái định cư không chỉ là giải quyết về nhà ở, mà là giải quyết nơi ở mới, không gian sống phù hợp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tái định cư phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời.
Do đó, công tác tái định cư cần phân tích, dự báo nhu cầu một cách chính xác cũng như khả năng đáp ứng của nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư của người dân; có biện pháp sử dụng hiệu quả quỹ nhà tái định cư, phân bổ hợp lý.
Theo Nhân dân điện tử