Trong Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2019, đáng chú ý là Coteccons xếp ở vị trí thứ nhất; tiếp theo là Tập đoàn Hòa Bình, Unicons, Vinaconex…
Ở Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2019, có là các thương hiệu Thép Hòa Phát, Eurowindow, Gỗ An Cường, Vicostone, Vigracera…
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2019 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm - Đồ uống, Bán lẻ...
Ổn định nhưng chưa bứt phá
Cùng với việc công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2019, Vietnam Report cũng đánh giá lại thị trường này trong giai đoạn vừa qua và dự báo cho năm 2019.
Theo Vietnam Report, sau giai đoạn 2015 - 2017 tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, nhiều công ty xây dựng, đặc biệt hoạt động trong phân khúc nhà ở và thương mại cho rằng, họ đã trải qua một năm 2018 kinh doanh thành công. Thị trường vật liệu xây dựng cũng theo đó phát triển ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.
Theo số liệu tổng hợp, toàn ngành đã sản xuất và tiêu thụ 95 triệu tấn xi măng; sản xuất và tiêu thụ gần 705 triệu m2 gạch ốp lát; sản lượng sản xuất và tiêu thụ sứ vệ sinh đạt khoảng 16 triệu sản phẩm; trên 16 triệu m2 đá ốp lát.
Diễn biến giá các loại nguyên liệu chính nhóm thép trong năm 2018.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty xây dựng có xu hướng giảm do giá nguyên vật liệu tăng mạnh và cạnh tranh gay gắt khiến biên lợi nhuận gộp hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều giảm. Theo ước tính của Finpro, tổng lợi nhuận ròng nhóm xây dựng và vật liệu cơ bản giảm 26% so với năm 2017.
Năm 2019, ngành xây dựng - vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng không vượt trội như các năm trước đó. Theo dự báo của BMI, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng 7,23% trong năm 2019.
Dự phóng tăng trưởng thực ngành xây dựng Việt Nam.
Theo khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report, 54,5% doanh nghiệp lạc quan kỳ vọng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng hơn so với năm trước, 36,4% cho rằng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm 2018, trong khi 9,1% cho rằng tăng trưởng của ngành sẽ có dấu hiệu chững lại và bắt đầu có sự điều chỉnh.
Có thể thấy, bản thân các doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng cũng có dự cảm khác nhau về tiềm năng tăng trưởng trong năm 2019 và chắc hẳn sẽ dè dặt hơn khi đặt mục tiêu doanh thu - lợi nhuận trong năm tài chính này.
Dự báo về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2019.
5 xu hướng chủ đạo
Nhu cầu về xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, và tiếp tục tăng trong vòng 10 năm tới nhờ vào xu hướng đô thị hóa đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Theo nghiên cứu của BMI, Việt Nam là một trong những thị trường cận biên đang phát triển với tốc độ nhanh, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng luôn được xem là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Số liệu thống kê cho thấy chi phí cho các công trình xây dựng cơ bản chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu Chính phủ từ năm 2015 - 2018.
Xây dựng công nghiệp được xem là điểm sáng trong năm 2019 trước bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng thu hẹp, cạnh tranh xây dựng các dự án nhà ở ngày càng khốc liệt hơn, trong khi Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới của khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng trong phân khúc xây dựng công nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi 2 yếu tố: nguồn vốn FDI ổn định và làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam.
Xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng vật liệu xây dựng mới - vật liệu xây dựng xanh được đề cao. Việc thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững hướng đến năm 2030 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng - vật liệu xây dựng nghiên cứu sâu hơn và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất một cách chuyên nghiệp để tạo ra các công trình thông minh, từ đó nâng cao chất lượng cũng như trình độ của mình.
D&B (Thiết kế và Thi công) tiếp tục là mô hình mang tính cạnh tranh của các công ty xây dựng. Mô hình này thay thế phương thức truyền thống D&B&B (Thiết kế, Đấu thầu, Thi công) nhằm giảm thiểu rủi ro chậm tiến độ hoặc bị đình hoãn. Tuy nhiên, việc các ông lớn ngành xây dựng (điển hình như Coteccons, Hòa Bình…) tham gia D&B vô hình chung sẽ làm tăng tính cạnh tranh với các nhà thầu cơ điện, đòi hỏi các doanh nghiệp M&E phải chuyên nghiệp hơn từ nhân sự đến kỹ thuật.
Hoạt động xuất khẩu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, tỷ lệ công suất tiêu thụ so với mức sản xuất chỉ khoảng 57,4% do hoạt động xây dựng mới trong nước đang dần bão hòa. Lượng sản xuất dư thừa được dự báo sẽ xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển có nhu cầu xây dựng cao như Bangladesh, Campuchia, Philippines...
Ngoài ra, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây. Các doanh nghiệp kỳ vọng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2019.
Chiến lược phát triển uy tín 2019
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng cho biết, họ sẽ tập trung vào hai chiến lược chính: Đảm bảo chất lượng và tiến độ của các dự án, công trình hiện có; Tiếp tục tập trung phát triển thương hiệu.
Các ưu tiên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng - vật liệu xây dựng trong năm 2019.
Có thể thấy, xây dựng và phát triển uy tín là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp muốn hướng đến trong thời gian tới. Muốn vậy, trước tiên doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư truyền thông hợp lý, tích cực và chủ động.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá truyền thông trong năm 2018 - 2019 của Vietnam Report lại chỉ ra rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng - vật liệu xây dựng đang thiếu tính chủ động trên truyền thông khi có tới gần 90% thông tin là do báo chí tự khai thác, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chưa có những dự đoán và biện pháp ứng phó cho những sự cố truyền thông ngoài ý muốn có thể xảy ra, làm gia tăng mức độ rủi ro truyền thông đặc biệt trong thời đại công nghệ và mạng xã hội phát triển như ngày nay.
Tỷ lệ thông tin mã hóa của các doanh nghiệp ngành xây dựng - vật liệu xây dựng phân theo nguồn thông tin trên truyền thông.
Về độ đa dạng hình ảnh doanh nghiệp qua lăng kính truyền thông, khoảng 22,4% số doanh nghiệp có độ bao phủ thông tin đạt mức 10/24 nhóm chủ đề, cho thấy các doanh nghiệp thường công bố những thông tin mang tính chất đại chúng về các chủ đề quen thuộc như: Tài chính/Kết quả kinh doanh, Cổ phiếu, Sản phẩm…, thay vì có một chiến lược truyền thông dài hạn xuyên suốt cả năm hoạt động.
Các công ty xây dựng - vật liệu xây dựng có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ (trong tổng số 24 nhóm chủ đề)
trên truyền thông.
Nhóm nghiên cứu truyền thông của Vietnam Report khuyến nghị, để cải thiện hình ảnh truyền thông và bảo vệ uy tín, các doanh nghiệp cần lưu ý đến 3 vấn đề: Mở rộng phạm vi chủ đề hiện diện trên truyền thông; Tăng cường tiếng nói từ phía doanh nghiệp; Trao đổi trực diện về các vấn đề của khách hàng.
Theo vatlieuxaydung.org.vn