Từ nhiều tháng qua, bà Cao Thị Hiên ở xã Nghĩa Hoà, huyện Tư Nghĩa không còn lo nghĩ đến chuyện tìm nước sạch. Công trình nước sạch của xã hoạt động trở lại vào cuối năm ngoái đã giúp bà Hiên cùng bà con thôn Thu Xà đỡ gánh nặng chạy vạy lọc nước, mua nước. Hệ thống nước sinh hoạt xã Nghĩa Hoà được nâng cấp máy vận hành nước lên 520m3/ngày đêm; nhiều giếng khoang và hệ thống đường ống mới vào tận làng, khu dân cư giúp bà và hơn 1.000 hộ dân có nước sạch để dùng. Nguồn nước các giếng khơi trong vùng bị nhiễm phèn được cải tạo không còn nỗi lo của bà con nơi đây.
“Bây giờ có Nhà nước hỗ trợ nước rồi. Nước đưa từ ống về tới nhà luôn, mình chỉ kéo vô trong dùng thôi. Mừng chứ, bao năm chờ đợi nước sạch mà”, Bà Hiên cười tươi.
Tại xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, hệ thống cấp nước sinh hoạt cũng vừa nâng cấp, sửa chữa, cung ứng nước sạch cho hơn 400 hộ trong vùng.
“Thời gian dài không có nước sạch mình sản xuất, buôn bán đều trở ngại. Chi phí và nhièu thứ tăng theo. Nay có rồi thì gánh nặng cũng vơi bớt cho gia đình”, ông Nguyễn Văn Tình, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ phấn khởi.
Từ các chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 135, 134, 30A cùng nhiều nguồn xã hội hoá, Quảng Ngãi đã cải thiện được việc sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sạch đạt quy chuẩn.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 469 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, được đầu tư trong thời gian dài với tổng kinh phí trên 409 tỷ đồng. Số lượng công trình nhiều, đầu tư cho cả miền núi, đồng bằng, Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa nước sạch đến với người dân.
Tuy nhiên, sau nhiêu năm đầu tư, thực tế cơ sở cho thấy nhiều công trình hoạt động thiếu hiệu quả. Trong số 469 công trình cấp nước sạch nông thôn, chỉ có 33 công trình hoạt động bền vững, 217 công trình hoạt động trung bình, 92 công trình hoạt động kém hiệu quả, 127 công trình không hoạt động. Hầu hết các công trình cấp nước sạch bị hư hỏng nặng do mưa lũ cuốn trôi, chất lượng công trình thấp gây vỡ ống, hệ thống rửa lọc nước, bể xử lý không hoạt động…
Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ cấp nước sạch cho hơn 500 hộ dân
Thiếu nước sạch ở vùng nông thôn kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng nông thôn. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi tập trung nâng cấp, sửa chữa 11 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó, ưu tiên sửa chữa các công trình nước sạch nông thôn, vùng nhiễm phèn, thiếu nước sạch. Hệ thống đường ống được nâng cấp, thiết bị lọc công nghệ hiện đại, bảo đảm nước đạt quy chuẩn cung cấp cho nhân dân.
Hai năm qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi hoàn thành sửa chữa năm công trình nước sạch tập trung, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho hơn 5.000 hộ dân vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoà chia sẻ “Trước đây chúng tôi sử dụng nước Unicep, nước hợp vệ sinh thôi, bây giờ mức sống, đời sống của bà con cao rồi, họ cần phải bảo đảm chất lượng nên nước sạch là tiêu chí số một”
Trong năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư kinh phí, sửa chữa nâng cấp bốn công trình cấp nước sạch các vùng trũng, nhiễm phèn, thêm 4.000 hộ dân được dùng nguồn nước đạt chuẩn sau khi công trình hoàn thành.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến nay khoảng 91% người dân vùng nông thôn tỉnh Quảng Ngãi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tình trạnh xuống cấp, không hoạt động của các công trình cấp nước sạch kéo dài sẽ giảm tỷ lệ dân được tiếp cận với nguồn nước sạch.
“Nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước nông thôn thì nguồn nước cho dân mới đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Các chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chỉ rõ những bất cập này. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực khắc phục dần để đưa nguồn nước sạch đến với từng hộ dân”, Ông Lê Văn Minh khẳng định.
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020, 95% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, có 50% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đầu tư và huy động nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhiều công trình nước tập trung, cung cấp nước sạch cho người dân. Trong đó, nguồn vốn ngân sách chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn xã hội hóa và huy động người dân đóng góp.
Theo Nhân dân điện tử