Cách nay đúng 55 năm, vào ngày 21-3-1964, Vicem Hà Tiên được ra đời tại khu vực núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên, đánh dấu một sự kiện của lịch sử ngành xi-măng ở miền nam. Trong suốt chặng đường đó, công ty đã sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 80 triệu tấn xi-măng các loại.
Riêng năm 2018 vừa qua, công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 6,8 triệu tấn xi-măng; sản xuất hơn 4,3 triệu tấn clanh-ke, đạt doanh thu 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 805 tỷ đồng, tăng 32,8% so cùng kỳ năm ngoái, góp phần vào thành tích chung của toàn Tổng công công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam. Nếu như khi thành lập, công ty chỉ có một nhà máy sản xuất clanh-ke có công suất thiết kế 240.000 tấn/năm đặt tại Kiên Lương và một nhà máy nghiền xi-măng đặt tại Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) có công suất 300.000 tấn/năm, thì đến nay Vicem Hà Tiên 1 có hai nhà máy, ba trạm nghiền với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại của các nước G7, phân bố đều tại các khu vực Ðông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tổng công suất 4,3 triệu tấn clanh-ke và 7,5 triệu tấn xi-măng/năm.
Mạng lưới phân phối của Vicem Hà Tiên 1 gồm 50 đơn vị chính và hơn 10.000 cửa hàng trải đều tại thị trường miền nam, đưa xi-măng đến tận tay người tiêu dùng một cách tiện ích nhất. Công ty hiện có hơn 2.500 cán bộ, công nhân viên, với hàng trăm cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, có đủ năng lực về xử lý kỹ thuật công nghệ và quản lý… tự hào nối tiếp truyền thống của các thế hệ cha anh. Vicem Hà Tiên 1 đã trở thành đơn vị sản xuất xi-măng lớn nhất miền nam và của Tổng công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam.
VICEM Hà Tiên 1 với nhãn hiệu Kỳ Lân Xanh luôn đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước và của ngành xi-măng Việt Nam. Quãng đường đã qua, có thể nói từ chú Kỳ Lân bé nhỏ đã trải qua bao thăng trầm để lớn lên và phát triển. Ðó là giai đoạn 1964 - 1975, công ty bắt đầu đi vào hoạt động và tiếp tục xây dựng, phát triển. Ðây cũng là giai đoạn đã hình thành đội ngũ công nhân xi-măng tại miền nam, là đội ngũ có tay nghề cao, chuyên sâu với nghề nghiệp. Chính đội ngũ này là vốn quý để sau ngày giải phóng, đội ngũ công nhân hai miền đất nước hòa nhập lại, bổ sung cho nhau, trở thành lực lượng đông đảo vững mạnh.
Ðến giai đoạn từ tháng 5-1975 - tháng 6-1981, Vicem Hà Tiên 1 bước sang trang sử mới. Các cán bộ của Nhà máy Xi-măng Hải Phòng được điều động vào tăng cường cho công ty. Vượt qua tất cả những trở ngại ban đầu, nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ, Bộ Xây dựng và lãnh đạo cấp trên, trong hai năm liên tiếp 1977-1978, công ty đã xuất được 312.000 tấn xi-măng, vượt công suất thiết kế - là điều mà trước năm 1975 chưa bao giờ làm được.
Tổng Giám đốc Vicem Hà Tiên 1 Lưu Ðình Cường chia sẻ: Ðây cũng là giai đoạn khó khăn nhưng rất vẻ vang của công ty. Với nhận thức sáng suốt, thế hệ cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ đã xác định phải phát triển sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu xi-măng cho xã hội. Và bằng những nỗ lực lớn lao, được sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ, Bộ Xây dựng và của Liên hiệp các Xí nghiệp xi-măng, nay là Tổng công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam, ngày 30-11-1976, Bộ Xây dựng ký quyết định thành lập Ban Kiến thiết Xi-măng Hà Tiên. Ðến ngày 4-6-1977, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt thiết kế Nhà máy Xi-măng Hà Tiên mở rộng, chính thức khởi động lại "Chương trình mở rộng Nhà máy Xi-măng Hà Tiên" bị dang dở trước đây. Bao gồm dây chuyền sản xuất clanh-ke 900.000 tấn/năm và một trạm nghiền 500.000 tấn xi-măng/năm ở Kiên Lương (chính thức khởi công vào tháng 5-1978) và dây chuyền nghiền 500.000 tấn xi-măng/năm ở Thủ Ðức cùng kho trung chuyển 360.000 tấn xi-măng/năm ở Cần Thơ.
Ðến giai đoạn 6-1981 - 6-2010, việc tách nhập giữa hai nhà máy thành Xi-măng Hà Tiên 1 ở Thủ Ðức và Nhà máy Xi-măng Hà Tiên 2 ở Kiên Lương diễn ra và tiến hành cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần như hiện nay, trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Cũng là giai đoạn mà các đơn vị đẩy mạnh công tác đầu tư, thực hiện các dự án mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Cụ thể, các dự án dây chuyền Xi-măng Hà Tiên 2.2; Trạm nghiền Long An; Trạm nghiền Phú Hữu; Nhà máy Xi-măng Bình Phước và tiếp nhận dự án Trạm nghiền Xi-măng Cam Ranh;… Ðặc biệt năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, Vicem Hà Tiên 1 đứng trước những khó khăn gay gắt về tín dụng, lãi suất, giá cả và thị trường. "Còn nhớ mãi, lúc đó các đồng chí lãnh đạo của Tổng công ty cũng rất lo ngại về những dự án đầu tư của Vicem Hà Tiên 1; số nợ trên vốn sở hữu hơn sáu lần là mối nguy lớn đối với tình hình tài chính của công ty. Thời gian đó, quỹ phúc lợi cũng không còn, thậm chí người lao động phải đóng góp 4 ngày lương/năm để tạo dựng Quỹ Tình thương, đồng hành cùng công ty vượt qua khó khăn và phần lớn người lao động vẫn gắn bó cùng doanh nghiệp. Nhưng nếu không mạnh dạn đầu tư thì Vicem Hà Tiên 1 không thể đảm nhận được nhiệm vụ và vai trò về kinh tế và chính trị của Tổng công ty ở phía nam", ông Lưu Ðình Cường nhấn mạnh.
VICEM Hà Tiên 1 với nhãn hiệu Kỳ Lân Xanh và VICEM đã được khách hàng trong nước quen dùng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. Ðể làm được điều đó, công ty đã xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý tích hợp theo các tiêu chuẩn quốc tế như Tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001; Tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001, Tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001, Tiêu chuẩn quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001. Việc vận hành theo hệ thống tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế này giúp Vicem Hà Tiên 1 kiểm soát nghiêm ngặt quá trình hoạt động sản xuất, bảo đảm mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều đạt chất lượng như công bố, với mức tiêu hao năng lượng và phát thải ra môi trường thấp nhất. Bên cạnh khẩu hiệu là "Sản xuất không đánh đổi môi trường", công ty cũng sử dụng chất thải của ngành công nghiệp khác như tro bay, hạt nix, xỉ làm nguyên liệu sản xuất, hoàn tất lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải liên tục tự động hiện đại tại tất cả các nhà máy, trạm nghiền nhằm giám sát liên tục 24/24 giờ các chỉ số phát thải, nghiên cứu xây dựng Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về môi trường với các chỉ số thấp hơn quy định của Nhà nước. Công ty cũng thực hiện đồng bộ công tác huấn luyện đào tạo kiến thức an toàn cho người lao động, đồng thời kiểm soát máy móc thiết bị trong từng công đoạn sản xuất theo tài liệu checklist an toàn. Kết quả thu được từ năm 2017 đến nay, toàn công ty không để xảy ra bất kỳ tai nạn lao động nào.
Ðồng thời, công ty còn thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và cộng đồng; làm tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Với những thành tích đó, Vicem Hà Tiên 1 đã được Ðảng và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý như Cờ thi đua của Chính phủ cho Công ty cổ phần Xi-măng Hà Tiên 1 đã có thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của ngành xây dựng các năm 2009, 2010, 2013 và 2014; Huân chương Lao động hạng ba cho Công ty cổ phần Xi-măng Hà Tiên 1 đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 đến năm 2013; Huân chương Lao động hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo và phong trào "Vì người nghèo" của TP Hồ Chí Minh năm 1999 - 2003; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho công ty đã có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động từ năm 2014 đến năm 2016,…
Vì vậy, lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên Vicem Hà Tiên 1 rất tự tin tiếp tục xây dựng và phát triển công ty để đạt mức 10 - 12 triệu tấn xi-măng/năm, doanh thu hơn 10 nghìn tỷ đồng; bảo đảm lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thực hiện trách nhiệm cộng đồng, an sinh xã hội; ứng dụng khoa học - công nghệ và môi trường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, xứng đáng là một đơn vị đầu tàu của ngành xi-măng ở phía nam.
Theo Nhân dân điện tử