Kỷ niêm 83 năm ngày truyền thống ngành xi măng Việt Nam

Thứ hai, 07/01/2013 13:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 4/1/2013, tại Hà Nội, Hiệp Hội xi măng Việt Nam (VNCA) tổ chức Lễ kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống Ngành Xi măng Việt Nam: 8/1/1930 – 8/1/2013. Tới dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam; Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm, Vụ trưởng Vụ VLXD Trần Văn Tới; Các nguyên Thứ trưởng Trần Văn Huynh, TốngVăn Nga,…; các cán bộ lão thành cách mạng đã hoạt động lâu năm trong ngành; và đông đảo các cán bộ lãnh đạo của các thành viên Hiệp hội trong cả nước.

Trong điều kiện thời tiết giá rét tại Hà Nội và Miền Bắc, các đoàn cán bộ lão thành, các lãnh đạo đơn vị, nhà máy đã di chuyển chặng đường khá dài, hàng trăm km đến tham dự buổi lễ, nhất là Đoàn Xi măng Hải Phòng đã có nhiều cụ cao tuổi. Mặc dù vậy, buổi lễ đã được tổ chức hết sức trang trọng, ấm cúng, trong tinh thần truyền thống đoàn kết, “lớp cha trước, lớp con sau”, cùng nhau gặp gỡ trao đổi những buồn vui, thăng trầm trong mỗi chặng đường phát triển của Ngành.

Buổi lễ đã có sự tham gia của các Đoàn Văn nghệ của 2 Công ty thuộc Vicem: Xi măng Vicem Hải phòng và Vicem Bỉm sơn, với các bài hát, điệu múa được sáng tác trong những giai đoạn phát triển của Ngành xi măng đã giúp cho không khí buổi lễ trở nên phấn khởi, vui tươi, chan hòa với những tràng pháo tay và nụ cười thân thiện.

Khai mạc buổi lễ, ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký VNCA đã chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo Bộ, Ngành, Các Tập đoàn, Doanh nghiệp… đã đến tham dự lễ kỷ niệm, trong không khí đón năm mới 2013, thắm tình đoàn kết giữa các thế hệ những người ‘làm xi măng”.

Thay mặt Hội đồng VNCA, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch VNCA đã có bài phát biểu nêu bật sự cố gắng của các thành viên VNCA trong năm 2012. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, sự đóng băng của thị trường bất động sản trong nước, cũng như các chính sách thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư công của Chính phủ, toàn ngành xi măng cũng đã nỗ lực vượt bậc, vật lộn với những khó khăn của thị trường: thiếu vốn, thiếu nguyên nhiên liệu, giá cả đầu vào tăng trong khi đó giá bán liên tục giảm, thậm trí dưới giá thành. Đặc biệt, VNCA đánh giá cao sự cố gắng của các Doanh nghiệp xuất khẩu được xi măng, trong bối cảnh thị trường trong nước suy giảm, cạnh tranh nội địa diễn ra hết sức khốc liệt, đã có nhiều Doanh nghiệp phải giảm, thậm trí dừng sản xuất. Chủ tịch VNCA cũng kêu gọi các nhà sản xuất cần bắt tay nhau, “buôn có bạn, bán có phường”, cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn của thị trường, không nên bán phá giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của ngành và của chính doanh nghiệp. Chỉ có cùng nhau hợp tác mới vượt qua được giai đoạn khó khăn này, nếu không tất cả sẽ kéo nhau cùng “chìm”.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam đã biểu dương sự nỗ lực của toàn ngành năm 2012. Đạt được kết quả như vậy, so với các ngành sản xuất VLXD khác, ngành xi măng có thể nói là khá thành công. Trong đó các nhà máy thuộc Vicem và khối Liên doanh đã sản xuất đạt gần 100% công suất, tồn kho tương ứng khoảng trên 2 triệu tấn, tương đương khoảng 2 tuần sản xuất. Đây là kết quả hết sức khả quan trong bối cảnh hiện nay (so với ngành kính tồn kho sản lượng tương đương khoảng 6 tháng, gạch ceramic khoảng 3 tháng).

Mặt khác Ông Nguyễn Trần Nam cũng thông báo một số chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn và trầm lắng của thị trường Bất động sản, nhưng cũng cho rằng, năm 2013 sẽ có những thay đổi tích cực nhưng thuận lợi là không nhiều, khó khăn vẫn là chủ yếu. Do đó các Doanh nghiệp cần tiếp tục bàn thảo các giải pháp và nỗ lực hơn nữa trong việc tiết kiệm, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Thứ trưởng cho rằng, chi phí sản xuất khối Doanh nghiệp nhà nước, nhất là Vicem, còn khá cao.

Ông Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội VLXD đã phát biểu những tâm tư của một người có 50 năm gắn bó với ngành. Theo ông, ngành xi măng đã gắn bó cả cuộc đời ông từ khi xuất ngũ cho đến bây giờ. Ông đã chứng kiến từng giai đoạn phát triển của ngành, lúc thăng, lúc trầm. Nhưng tựu trung, cho đến nay, ngành xi măng đã phát triển vượt bậc. Chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất. Về đầu tư xây dựng chúng ta cũng chỉ phải nhập máy móc thiết bị chính, còn lại các nhà thầu xây lắp trong nước đã có thể hoàn toàn chủ động. Sản lượng đến nay tăng vượt bậc và đã xuất khẩu. Đó là thành tích đáng kể. Vấn đề là đến giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có sự điều chỉnh cần thiết để ngành xi măng có thể phát triển bền vững, giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Buổi lễ kết thúc trong không khí chan hòa, cởi mở, ấm áp tình cảm của các thế hệ những người “làm xi măng”: từ già đến trẻ. Tuy còn đó những trăn trở, những khó khăn trước mắt của năm 2013, nhưng buổi lễ và những cuộc gặp mặt chân tình đã động viên và khích lệ những “người làm xi măng” vượt lên.

Theo : www.ximang.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)