Trong 6 tháng đầu năm, giá trị SXKD của Tập đoàn cơ bản đạt yêu cầu đề ra (31.486 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch năm), trong đó hoàn thành 55% kế hoạch năm về xây lắp. Cơ bản hoàn thành mục tiêu, tiến độ, đảm bảo chất lượng xây lắp các công trình trọng điểm, đảm bảo mục tiêu chống lũ tại các công trình thủy điện.
Tuy nhiên, thực hiện đầu tư trong 6 tháng đầu năm của Sông Đà đạt thấp. Nguyên nhân chính là việc huy động vốn cho các dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án BĐS. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn chuẩn bị đưa vào vận hành (Xêkaman3, Nậm Chiến, Bắc Hà...) chưa thu xếp đủ vốn nên mục tiêu tiến độ đưa các nhà máy vào vận hành chưa đạt kế hoạch.
Để tạo tiền đề phát triển, Tập đoàn đã mạnh dạn triển khai đề án Tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị DN. Đến nay đang hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc DN của Tập đoàn (2011 - 2015) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đã và đang tiến hành sắp xếp, tái cấu trúc lại một số đơn vị trong Tập đoàn như: Phôi thép Sông Đà vào VIS, Sông Đà 6, Someco, Sông Đà 7, Xi măng Đồng Bành, Thép Sông Hồng, Tôn mạ màu Vifa, Coma 19... Cơ cấu sắp xếp lại Cty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các Cty con phù hợp với đề án tái cấu trúc được duyệt. Phấn đấu cuối năm 2012 thành lập và đi vào hoạt động TCty CP Xây dựng Sông Đà. Thực hiện việc tái cấu trúc lại hoặc thoái vốn các DN SXKD kém hiệu quả.
Theo kế hoạch, trong năm nay Tập đoàn sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Tập đoàn. Thực hiện CPH Cty mẹ của TCty LICOGI và một số Cty. Thực hiện rà soát, cử người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các Cty CP để tiến hành đại hội cổ đông.
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt tăng vốn điều lệ của Cty mẹ - Tập đoàn Sông Đà từ 4.607 tỷ đồng lên 7.205 tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội tốt để Tập đoàn Sông Đà triển khai các kế hoạch đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Trong 6 tháng cuối năm, Tập đoàn cần tuyển dụng trên 2 nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên các ngành: Xây dựng, thuỷ lợi, mỏ địa chất, cơ khí chế tạo, điện, động lực... và 5,5 - 6 nghìn công nhân kỹ thuật các ngành nghề xây dựng, cơ khí, lắp máy, cơ giới để bổ sung lực lượng thiếu hụt của các đơn vị. Tập đoàn cũng tiếp tục triển khai tuyển chọn để đưa sang Nga làm việc và đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo chương trình và hợp đồng hợp tác đã ký với đối tác.
Tập đoàn tiếp tục phối hợp với các trường đại học, học viện mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên ngành; bồi dưỡng an toàn và bảo hộ lao động cho 1.500 người sử dụng lao động và cán bộ an toàn lao động. Thực hiện đào tạo bằng các hình thức như: đào tạo mới tại trường, đào tạo tại chỗ, đào tạo nâng cao cho khoảng 6.500 công nhân kỹ thuật các ngành nghề. Tiếp tục duy trì triển khai công tác hướng dẫn kèm cặp cho công nhân kỹ thuật mới ra trường.
Để duy trì đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, các đơn vị đã tập trung giải quyết chế độ theo Luật Lao động cho lực lượng lao động dôi dư do giảm việc làm tại các công trình, nhà máy. Tìm mọi biện pháp để bảo toàn lực lượng cán bộ kỹ thuật, quản lý có năng lực và đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.
Theo Báo Xây dựng điện tử