Ngành Xây dựng Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng quy hoạch

Thứ sáu, 06/07/2012 16:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những khó khăn chung của tỉnh và cả nước, thời gian qua ngành Xây dựng Thái Nguyên đã chủ động tham mưu, tìm giải pháp tối ưu, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung...

Các KTS Phòng Quy hoạch - Kiến trúc (Sở Xây dựng Thái Nguyên) trao đổi kinh nghiệm nâng cao công tác thiết kế - quy hoạch.

Đẩy mạnh đô thị hóa

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung mọi nguồn lực vào việc đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh. Một số đô thị lớn trong tỉnh đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt. Tỉnh cũng đã chỉ đạo lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch (QH) có ảnh hưởng lớn tới việc phát triển hệ thống đô thị của tỉnh như: QHXD vùng phát triển hệ thống đô thị đến năm 2025; QHXD vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; QHXD các khu, cụm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; QH quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; QH phát triển VLXD tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; QH cấp nước, thoát nước các đô thị và KCN tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và QH hệ thống nghĩa trang tỉnh Thái Nguyên...

Tuy nhiên thực trạng các đô thị Thái Nguyên vẫn chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh, động lực phát triển của mỗi đô thị, như: Mật độ các đô thị còn thưa và mỏng; Tốc độ đô thị hoá chung còn chậm; Một số đô thị có quy mô nhỏ, được hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở chức năng đô thị hành chính; Yếu tố thương mại, dịch vụ quy mô còn nhỏ; Thiếu yếu tố động lực phát triển quan trọng như sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch; Chất lượng đô thị chưa đồng đều và còn yếu; Chưa tạo được bản sắc riêng ở các đô thị, đặc biệt là tính chất đô thị trung du miền núi.

Hiện nay hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên bao gồm 15 đô thị: 1 TP trực thuộc tỉnh là đô thị loại I (TP Thái Nguyên), 1 TX trực thuộc tỉnh là đô thị loại III (TX Sông Công), 13 thị trấn huyện lỵ và thị trấn chuyên ngành là đô thị loại V. Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên đang đề nghị công nhận thị trấn Ba Hàng là đô thị loại IV, làm tiền đề cho việc định hướng đến năm 2015 đưa huyện Phổ Yên phát triển thành TX công nghiệp. Bên cạnh đó, dự kiến nâng thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ đô thị loại V thành đô thị loại IV phục vụ cho công tác thành lập TX Núi Cốc, nâng cấp TX Sông Công thành TP Sông Công...

Thực hiện quy hoạch nông thôn mới

Song song với hoạt động quy hoạch phát triển đô thị, ngành Xây dựng Thái Nguyên còn triển khai và thực hiện tốt công tác QH nông thôn mới. Theo đó, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TW7 tỉnh tổ chức hội nghị bàn triển khai, trao đổi, tập huấn nghiệp vụ về công tác lập QHXD nông thôn mới; đồng thời chủ động tham mưu với tỉnh các đơn vị tư vấn tham gia công tác QHXD nông thôn mới trên cơ sở tiêu chí là các đơn vị đã có bề dày truyền thống hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng, hoặc có nhiều thành tích trong công tác QH xây dựng của tỉnh, như: Viện Quy hoạch xây dựng Thái Nguyên, Cty CP Tư vấn và ĐTXD Thái Nguyên; Cty TNHH Tư vấn Kiến trúc Thái Nguyên...

Do thiếu kinh nghiệm trong công tác lập QH nông thôn mới, đặc biệt là QH sản xuất nông nghiệp một số địa phương trong tỉnh có tỷ lệ QH đô thị khá cao (huyện Phú Bình, Phổ Yên có QH phân khu Yên Bình; TP Thái Nguyên có QH các khu đô thị mới, đại học Thái Nguyên...) nên trong quá trình triển khai lập QHXD nông thôn mới, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn còn lúng túng, chưa có giải pháp cụ thể để triển khai... nhưng đến nay, bằng kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao của đội ngũ KTS, các đơn vị tư vấn trong ngành xây dựng Thái Nguyên đã cùng với các xã hoàn thiện đồ án QH, trình thẩm định phê duyệt. Theo kế hoạch, các xã điểm đã hoàn thành đồ án QH và trình phê duyệt trong quý II/2012, các xã còn lại thực hiện trong quý III/2012.

Nâng cao chất lượng kiểm định

Phát huy tính chủ động ngành Xây dựng Thái Nguyên huy động mọi nguồn vốn để tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nâng cao chất lượng kiểm định công trình xây dựng: như thiết bị thí nghiệm xi măng, máy thí nghiệm CBR (đất, cấp phối đá dăm trong phòng), máy nén bê tông 200 tấn, máy siêu âm đường kính cốt thép, máy khoan địa chất, máy khoan lõi bê tông, máy phát điện... đảm bảo nâng cao chất lượng kiểm định các công trình xây dựng trên địa bàn.

Đặc biệt, vào đầu tháng 3/2012, ngành đã cùng với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam với hơn 100 đoàn trong toàn quốc tham gia. Hội nghị đã mang lại nhiều kiến thức mới về công tác thí nghiệm, kiểm định xây dựng rất thiết thực và có tính thực tiễn cao...


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)