Trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 10.194 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 357 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 3,5% (Trong đó: 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 05 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 162 trường hợp có các vi phạm khác).
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 276 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 77,31%; Đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 81 trường hợp, chiếm tỷ lệ 22,69%. Ban hành: 569 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,5 tỷ đồng.
Đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng giai đoạn 2015-2016, trong tổng số 409 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, đến nay, đã giải quyết, xử lý dứt điểm đối với 369/409 trường hợp (tỷ lệ 90,22%), còn 40/409 trường hợp (tỷ lệ 9,78%) đang tiếp tục xử lý trên địa bàn 15 quận, huyện. Ngày 04/6/2019, Sở Xây dựng tiếp tục có văn bản số 4713/SXD-TTr đôn đốc các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm tồn đọng trên. Danh sách các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng được công khai trên Trang Thông tin điện tử của Sở Xây dựng để các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân được biết và cùng phối hợp, giám sát.
Đánh giá kết quả tổ chức thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 10 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 3406/QĐ-UBND, ngày 04/7/2018, của Chủ tịch UBND Thành phố về việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. 100% hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố đã được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ công trình có phép tăng; Vi phạm đã được phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm; Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục giảm mạnh trên các tiêu chí: Tỷ lệ, số lượng và quy mô phần vi phạm; Hầu hết các vi phạm được xử lý kịp thời nên tỷ lệ vi phạm tồn đọng giảm; Các vi phạm cũ đã và đang tiếp tục được xử lý, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật; Hạn chế phát sinh các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, gây bức xúc dư luận; Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân và doanh nghiệp từng bước được nâng cao.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong các năm qua, để cải thiện cải thiện chất lượng không khí, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế bếp than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ.
Về phía các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào Thành phố và trước khi ra khỏi công trường…
Xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; Đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các Khu, Cụm công nghiệp phải đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải đảm bảo tiêu chuẩn nước thải, khí thải trước khi đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; đưa vào vận hành ổn định và công khai kết quả quan trắc trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai áp dụng mô hình hóa trong công tác quan trắc môi trường để xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt nhằm đưa ra các cảnh báo, dự báo sớm về ô nhiễm không khí; xác định các nguyên nhân cụ thể gây ra ô nhiễm không khí để ban hành các chính sách xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác, tìm kiếm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và tài chính trong các kế hoạch bảo vệ môi trường không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm; tăng cường công tác tuyên truyền vận động toàn bộ người dân và các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường không khí, đi đôi với việc tiếp tục thực hiện Đề án trồng thêm 600 nghìn cây xanh...
Theo Chinhphu.vn