Sáng 5/7, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, để cải thiện cải thiện chất lượng không khí, trong thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế bếp than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào Thành phố và trước khi ra khỏi công trường…
Cũng trong thời gian qua, Thành phố đang đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các Khu, Cụm công nghiệp phải đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải đảm bảo tiêu chuẩn nước thải, khí thải trước khi đi vào hoạt động.
Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác công nghệ cao, các khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố. Bên cạnh đó, đề xuất lộ trình ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại, tiên tiến nhằm giảm thiểu tỷ lệ chất thải phải chôn lấp và tái tạo năng lượng, tận thu các sản phẩm từ rác.
Thời gian tới, Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; đưa vào vận hành ổn định và công khai kết quả quan trắc trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai áp dụng mô hình hóa trong công tác quan trắc môi trường để xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt nhằm đưa ra các cảnh báo, dự báo sớm về ô nhiễm không khí; xác định các nguyên nhân cụ thể gây ra ô nhiễm không khí để ban hành các chính sách xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
Thành phố cũng sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác, tìm kiếm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và tài chính trong các kế hoạch bảo vệ môi trường không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm; tăng cường công tác tuyên truyền vận động toàn bộ người dân và các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường không khí, đi đôi với việc tiếp tục thực hiện đề án trồng thêm 600 nghìn cây xanh...
Ngoài ra các các biện pháp như tăng cường kiểm soát chặt chẽ về các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm bụi đối với tất cả các công trường thi công xây dựng các công trình ở khu vực nội thành và các lò gạch trên địa bàn Thành phố.
Sở Xây dựng cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc phân luồng giao thông để việc vận chuyển phế thải xây dựng phải tuân thủ thời gian và lộ trình, an toàn giao thông theo đúng quy định. Buộc các phương tiện vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định, cấp phép lưu hành theo quy định.
Theo Chinhphu.vn