Thủ đô Hà Nội hiện có quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 8 triệu dân, đến năm 2030 khoảng 9 triệu, định hướng đến năm 2050 khoảng 11 triệu dân. Về lĩnh vực cấp nước, ngành cấp nước Thủ đô Hà Nội có lịch sử phát triển trên 125 năm với nòng cốt là Công ty nước sạch Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân khu vực đô thi, cùng với quá trình phát triển của Thủ đô, các dự án phát triển cấp nước đã được các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Trước đây các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn Thành phố là cung cấp cho khu vực dân cư đô thị, khu vực nông thôn sử dụng nguồn cấp từ các công trình cấp nước cục bộ.
Nhu cầu đầu tư cho các dự án nước thải rất lớn
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua, Thành phố và các sở, ban ngành, UBND các quận huyện, cũng như các nhà đầu tư xã hội hóa tham gia các dự án cấp nước với quyết tâm cao đã góp phần thay đổi bức tranh cấp nước Hà Nội, từ việc thiếu nguồn cung, chất lượng nước không ổn định, đến nay tổng công suất nguồn tập trung của Thành phố đạt đã trên 1.200,000m3/ngđ (trong đó nguồn nước ngầm là trên 600.000m3/ngđ và nguồn nước mặt là khoảng 600.000m3/ngđ).
Theo ông Thắng, sản lượng trên đã cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực đô thị với tỷ lệ cấp nước đạt 100% với chỉ tiêu 120 ÷150 l/người/ngày.
Khu vực nông thôn Thành phố Hà Nội bao gồm 416 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 17 huyện (Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Trì, Thạch Thất, Đan Phượng, Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì) và thị xã Sơn Tây với tổng dân số khoảng 4,280 triệu người: Năm 2016 tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 37,2%; năm 2017 là 49.4%; Năm 2018 đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên trên 55,5% chỉ tiêu 70 ÷100 l/người/ngày; dự kiến 2019 là khoảng (73-75)%.
Để phát huy tối đa công suất các nguồn cung cấp hiện có, UBND Thành phố đã giao các nhà đầu tư khẩn trương tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển mạng cấp nước cho khu vực nông thôn, nhằm phấn đầu hoản thành việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trong năm 2020.
Đến nay, UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước (trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngđ) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã. Sau khi các Dự án hoàn thành sẽ cung cấp cho khoảng 4.023.200 người, với khoảng 1.005.000 hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 94%.
Ông Thắng cho biết, để xây dựng hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với cùng một tiêu chuẩn cấp nước là nước sạch ăn uống, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn điến năm 2050 với phạm vi lập Quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hà Nội (bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn) và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên cơ sở hợp nhất 02 Quy hoạch cấp nước nhằm nghiên cứu phát triển hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn theo mô hình cấp nước tập trung và phân tán với cùng một tiêu chuẩn về nước sạch.
Song song với việc phát triển các dự án cấp nước sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, UBND Thành phố cũng đã giao các Công ty cấp nước điều chỉnh, bổ sung công nghệ các nhà máy nước hiện có cho phù hợp; xây dựng kế hoạch triển khai thay thế đường ống đã xuống cấp, đảm bảo yêu cầu chất lượng nước theo tiêu chuẩn ống tại vòi và xây dựng lộ trình đóng các nhà máy nước ngầm không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng còn có một số khó khăn như tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn hiện nay thấp dẫn tới chưa khuyến khích các nhà đầu tư xã hội hóa cấp nước cho khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước đến các hộ dân khu vực nông thôn lớn (do đường ống kéo dài) trong khi đó lượng nước tiêu thụ thấp (người dân sử dụng nhiều nguồn nước tự khai thác như nước mưa, nước giếng khoan..) dẫn tới việc thu hồi vốn kéo dài…
Ông Hoàng Cao Thắng cho biết, hiện nay, hệ thống thoát nước thủ đô Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5 km2 là đã được cải tạo đồng bộ, các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ do đó vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được.
Về thu gom xử lý nước thải, đến nay, tổng công suất các trạm xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội mới đạt khoảng 276.300m3/ngđ mới thu gom, xử lý được trên 30% lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực nội đô.
Theo định hướng Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, trong đó xác định: Hệ thống nước thải Thành phố được thu gom và xử lý tại 39 nhà máy với công suất 2030: 1.808.300m3/ngđ; 2050 2.482.300 m3/ngđ.
Ông Thắng cho biết, cùng với các chính sách thu hút đầu tư của Thành phố Hà Nội đối với các dự án phát triển hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, ngành xây dựng Hà Nội sẽ nghiên cứu, tham mưu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố giao các Nhà đầu tư có năng lực phát triển dự án cấp thoát nước trên địa bàn Thành phố với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Theo Chinhphu.vn