Trong gần 6 năm (2010-2016), cho dù trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn với không ít biến động, nhưng với sự lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền cùng sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2015 tăng vượt trội (khoảng 25,2% so với năm 2014); Tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt trên 79 nghìn tỷ đồng, tăng 32,4% so với cả năm 2014.
Một hạng mục trong KCN Điềm Thụy, Phú Bình, Thái Nguyên - nơi thu hút được nhiều dự án vốn FDI cho địa phương, có quy mô diện tích quy hoạch gần 350ha.
Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như cuối năm 2012, Thái Nguyên đứng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên tốp đầu cả nước về lĩnh vực này. Tính riêng trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh có hàng trăm dự án đầu tư, trong đó có hơn 60 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 7 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có vốn FDI trong cả nước. Nổi bật trong các dự án có nguồn vốn FDI lớn là Dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Electronic, Hàn Quốc.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu mang tới thành công cho sự phát triển ở Thái Nguyên là do tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được các khu công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn đầu tư FDI, cũng như có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vào KCN.
Đến nay toàn tỉnh đã có 6 KCN lớn có quy hoạch về diện tích ít nhất của mỗi khu từ 200 ha trở lên. Tổng diện tích các KCN của Thái Nguyên khoảng 1.420ha, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong quy hoạch chung. Đó là các Khu CN: Sông Công I (220ha); Sông Công 2 (250ha); Nam Phổ Yên (200ha); Tây Phổ Yên (200ha); Điềm Thụy, Phú Bình (350ha) và Quyết Thắng (200 ha).
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, kết quả thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thái Nguyên trong những năm gần đây rất ấn tượng: Nếu như năm 2011 chỉ có 70 DN (trong đó có 5 DN vốn FDI), thì đến hết tháng 6/2016 đã có 153 DN (trong đó có 77 DN vốn FDI) tham gia hoạt động tại các KCN Thái Nguyên, so với 2011 tăng hơn gấp 2 lần. Năm 2011 việc giải ngân vốn FDI là 2,1 triệu USD/20,08 triệu USD, thì hết 6 tháng đầu năm 2016 là 6 tỷ trên 7 tỷ USD (tăng 3 lần). Tình hình giải ngân vốn đầu tư trong nước tăng hơn 6 lần với kết quả tính đến tháng 6/2016 là 7.800 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 8.6 tỷ USD. Nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 đạt 2.300 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2015 (2.500 tỷ đồng)… Các dự án trong các KCN ở Thái Nguyên đã thu hút gần 90 ngàn người lao động, tăng gần 20 lần so với 2011, và tăng hơn 7 ngàn lao động so với năm 2015.
Các dự án FDI ở Thái Nguyên đã có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của tỉnh, nhiều dự án đang đầu tư xây dựng và các dự án lớn đã đi vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đặc biệt là nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông và nhóm chế biến khoáng sản sau khai thác… tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với giá trị cao, là đòn bẩy kinh tế, tạo đà tăng trưởng đột phá cho sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thái Nguyên.
Khởi công xây dựng vào cuối năm 2012, KCN Điềm Thụy do Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên làm chủ đầu tư hiện đã hoàn thiện cơ bản về hạ tầng giao thông trên diện tích gần 200ha.
Tới đầu năm 2016, KCN Điềm Thụy đã thu hút được 53 dự án đầu tư, chủ yếu là các dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 5.500 lao động, dự kiến nộp ngân sách trong năm nay đạt trên 100 tỷ đồng. Hiện đã có gần 20 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có khá nhiều DN đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Để đảm bảo vấn đề xử lý nước thải, gìn giữ môi trường KCN, chủ đầu tư đã xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Nhà máy này đã được hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 3.000m3/ngày đêm, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường ở KCN sôi động bậc nhất Thái Nguyên hiện nay. Qua quá trình chạy thử nghiệm, nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp sau khi được xử lý đều có thông số và nồng độ các chất trong nước thải đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải.
Theo ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên, công trình xử lý nước thải KCN Điềm Thụy đi vào vận hành sẽ đảm bảo xử lý cơ bản lượng nước thải của hơn hơn 20 nhà máy sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện cho tổ hợp công nghệ cao Samsung tại KCN Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tăng thêm sức hút cho KCN.
Theo đánh giá của tỉnh, hiện KCN Điềm Thụy đang đi vào hoạt động tốt, được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân, cũng như các dân tộc ở Thái Nguyên... có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin gắn với hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công.
Việc thu hút vốn FDI vào các KCN luôn được Thái Nguyên coi trọng và xác định là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là: “... Sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, ông Phan Mạnh Cường cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ nguồn, nghệ làm động lực, tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội trong và ngoài vùng dự án.
Theo Báo Hà Nội mới