Trụ cột của nền kinh tế tri thức
Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hà Nội được thành lập năm 2008 trên cơ sở Sở Bưu chính-Viễn thông, đồng thời tiếp nhận chức năng và tổ chức về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong tám năm qua, ngành đã tích cực tham mưu cho thành phố hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách. Công tác quản lý nhà nước được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực, qua đó tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành phát triển, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực, hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn thành phố được tăng cường, đổi mới. Các cơ quan báo chí Hà Nội bám sát, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô. Đặc biệt, đã tuyên truyền các nhiệm vụ cấp bách trong từng giai đoạn mà Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực. Công tác thông tin đối ngoại được chú trọng triển khai, tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế và tích cực tuyên truyền đấu tranh giữ vững chủ quyền đất nước. Công tác quản lý xuất bản có nhiều đổi mới, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa đọc; hoạt động xuất bản duy trì ổn định, có bước phát triển, góp phần tích cực trong việc định hướng xã hội, nâng cao nhận thức, văn hóa đọc của người dân. Quản lý về bưu chính viễn thông được tăng cường. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 8.000 trạm thu phát sóng di động, tích hợp công nghệ 2G và 3G, hệ thống in-tơ-nét đã kết nối đến tất cả các xã trên địa bàn. Công tác quản lý kinh doanh dịch vụ in-tơ-nét, thuê bao di động trả trước, chống thư rác, hoạt động quảng cáo rao vặt... được quan tâm, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Đặc biệt, công tác quản lý sắp xếp hệ thống đường dây đi nổi, quản lý duy trì vận hành hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung được tích cực triển khai, góp phần thực hiện hiệu quả “Năm trật tự văn minh đô thị”.
Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng và doanh thu trong năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của thành phố. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan nhà nước của thành phố được đẩy mạnh, làm thay đổi nhận thức cũng như tác phong, lề lối làm việc, hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tích cực vào cải cách hành chính. Các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử Thủ đô dần được hoàn thiện. Hệ thống mạng WAN đã kết nối từ UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện đến tận xã, phường, thị trấn. Trung tâm dữ liệu nhà nước của thành phố được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế là trung tâm mạng WAN, đồng thời là nơi tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) và phần mềm dùng chung của thành phố. Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của thành phố được nâng cấp mở rộng, tích hợp các cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước, các ứng dụng dùng chung, nhất là các ứng dụng, các dịch vụ công phục vụ công dân và doanh nghiệp.
Năm 2016, công tác triển khai ứng dụng CNTT được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất về cơ sở hạ tầng, về các ứng dụng dùng chung, các dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Từ đầu năm đến nay, đã triển khai phần mềm trực tuyến tuyển sinh đầu cấp; hoàn thành triển khai và khai trương hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp tại 168 phường thuộc 12 quận và đang tiếp tục triển khai tại các xã thuộc 18 huyện trên địa bàn. Nhờ đó, năm 2015, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thứ ba trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông được Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam công bố. Ngành CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô, đưa Hà Nội nằm trong nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm.
Mục tiêu xây dựng thành phố thông minh
Trước những yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới, phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, thành phố thông minh và thân thiện, thời gian tới, ngành TTTT Hà Nội tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, làm tốt công tác quản lý nhà nước về TTTT, tham mưu xây dựng và triển khai các quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TTTT, đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, in-tơ-nét, CNTT. Thứ hai, xây dựng và phát triển hệ thống TTTT cơ sở phù hợp sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tạo bước chuyển biến căn bản trong tổ chức và hoạt động thông tin đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Thứ ba, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, hướng tới xây dựng xã hội thông tin lành mạnh. Triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô. Thứ tư, phát triển bưu chính, viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020 dẫn đầu cả nước và ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và một số nước trên thế giới; trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn hoạt động hiệu quả, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP của Thủ đô. Thứ năm, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin công nghệ hiện đại làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Phát triển chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, phát triển kinh tế tri thức và cung cấp các dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp.Thứ sáu, thúc đẩy công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội trở thành ngành kinh tế phát triển bền vững, doanh thu cao với trọng tâm là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp CNTT hàng đầu của cả nước. Thứ bảy, chú trọng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về lĩnh vực thông tin, truyền thông, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.
Theo báo Nhân dân điện tử