Theo đó, UBND thành phố chấp thuận cho Công ty CP VINPEARL (thuộc tập đoàn Vingroup) thuê đơn vị tư vấn nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực vườn thú, công viên giải trí,... để nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 công viên Sài Gòn Safari, tại huyện Củ Chi bằng nguồn kinh phí mà công ty này chi trả.
Cũng theo công văn, trong trường hợp dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì Công ty Cổ phần VINPEARL tự chịu mọi khoản chi phí đã bỏ thực hiện.
Về cơ cấu sử dụng đất, UBND TPHCM chấp thuận tỷ lệ đất dành cho khu Safari là từ 60 – 70% so với tổng diện tích đất và diện tích còn lại xây dựng công trình thấp tầng phù hợp với khu sinh thái.
Ngoài ra, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức thẩm định điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 theo đúng quy định, trình UBND thành phố phố xem xét, phê duyệt.
Với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Củ Chi công bố công khai ngay cho nhân dân được biết kế hoạch sử dụng đất và thực hiện các thủ tục đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Giao Sở Giao thông vận tải làm việc với Công ty CP VINPEARL để nghiên cứu phương án kết nối giao thông từ khu vực trung tâm thành phố và các khu vực lân cận đến dự án, trong đó có nghiên cứu phương án bố trí tuyến xe buýt nhanh và mở rộng tuyến đường Nguyễn Thị Rành.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án Công viên Safari có quy mô 456,85ha, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên (chủ đầu tư cũ) đã nhận bàn giao 403,5ha. UBND thành phố đã phê duyệt 3 dự án bồi thường gần 620 tỷ đồng.
Dự án khiến 705 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 246 hộ đăng ký tái định cư. Đến nay, công tác chi trả, bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện được 688 hộ, còn 17 hộ chưa giải tỏa. Hiện cũng có khoảng 132 hộ dân có khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.
Đáng lưu ý, do bị bỏ hoang nhiều năm, diện tích đất đã thu hồi nhưng bị người dân tái lấn chiếm lên đến 335ha, trong đó có 95ha được trồng cao su của Công ty Bò sữa thành phố.
Về nguyên nhân tái lấn chiếm, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do hơn 10 năm, kể từ ngày UBND thành phố ký quyết định thu hồi và giao đất, dự án vẫn chưa được triển khai, bỏ hoang; giá bồi thường giải phóng mặt bằng đã biến động theo từng năm; việc xác định pháp lý nguồn gốc đất để tính toán áp giá bồi thường chưa được chặt chẽ. Cùng với đó, việc triển khai xây dựng khu tái định cư còn chậm.
Dự án công viên Sài Gòn Safari (Thảo Cầm viên mới) có diện tích hơn 485 ha, được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Vốn đầu tư dự tính lên đến 500 triệu USD.
Nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi (TPHCM), công viên Sài Gòn Safari có chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.
Ngày 11/6/2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi 485,35 ha, tạm giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn để bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Đến năm 2009, Thảo Cầm Viên Sài Gòn mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2000 và mặc dù đã tìm được công ty tư vấn nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng thuê tư vấn xây dựng dự án.
Năm 2011, UBND TPHCM lập Tổ công tác liên ngành để triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, khi đó là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố làm Tổ trưởng.
Do dự án đã bị “treo” 12 năm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên địa bàn dự án, mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo lãnh đạo thành phố phải tập trung xử lý quyết liệt các dự án còn treo, trong đó có dự án công viên Sài Gòn Safari.
Theo chinhphu.vn