Hà Nội có 43 CCN đi vào hoạt động ổn định, trong đó, có 9 cụm đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chỉ có 4 cụm xử lý nước thải tốt; 15 cụm đã được đầu tư theo "Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014-2015"; số CCN còn lại các cụm do không có nước thải, hoặc nước thải quá ít nên chưa phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Theo báo cáo của Sở Công thương, tiến độ triển khai "Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014-2015" chậm so với lộ trình. Nguyên nhân thiếu quỹ đất, việc bổ sung quy hoạch phải xin ý kiến nhiều ngành liên quan, kéo dài thời gian; khó khăn về thu hồi đất, đền bù GPMB; năng lực các đơn vị tư vấn để lập hồ sơ dự án còn hạn chế, kéo dài thời gian. Đặc biệt, một số dự án cho UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư, ngân sách khó khăn, bố trí vốn đối ứng, nên dự án triển khai chậm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% CCN có khu xử lý nước thải tập trung và HĐND thành phố Hà Nội cũng đã cụ thể hóa, ban hành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Vì vậy cần phải quyết tâm, đẩy nhanh tiến độ thì mới có thể hoàn thành, bởi lịch sử hình thành các CCN đặc biệt. Vì có một số CCN nâng lên từ điểm công nghiệp-không có trong quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên thiếu quỹ đất. Đối với các CCN có lượng nước thải ít, thì yêu cầu doanh nghiệp không mở rộng ngành nghề sản xuất mới có xả thải; còn lượng thải cũ thì cần xử lý cục bộ và thành phố có hỗ trợ. Mức hỗ trợ chung của thành phố trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên ở mức từ 35% đến 45% tổng mức đầu tư. Sau đầu tư, thành phố nên giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành, tránh giao cho sở, ngành, quận, huyện quản lý thì sẽ lại trì trệ, thất thoát, không hiệu quả".
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho rằng, thành phố cần xác định các cụm có xả thải tồn tại lâu dài để có hướng đầu tư, tránh lãng phí. Cùng với đó, thành phố phải quyết liệt chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp phải lo xử lý bên trong trước khi xả thải, thành phố chỉ xử lý khu tập trung bên ngoài, nếu không tuân thủ sẽ có biện pháp xử lý ngừng sản xuất, đóng cửa doanh nghiệp. Trưởng Ban đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cũng nêu quan điểm, thành phố nên đầu tư theo xã hội hóa và giao cho một đầu mối quản lý, vận hành, không nên giao cho huyện đảm nhận vì kém hiệu quả.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố sẽ giao cho Sở Xây dựng quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho đồng nhất với cấp nước nguồn và xả thải; đồng thời sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải tại 19 CCN và giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành. Theo đó, cơ chế xã hội hóa là nhà đầu tư tính toán giá thành; thành phố sẽ có cơ chế yêu cầu các doanh nghiệp xả thải phải đóng phí.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính xây dựng đề án tính đơn giá, tiến tới áp dụng thu phí nước thải cả của người dân và doanh nghiệp; giao Phó Chủ tịch phụ trách khối thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu công nghiệp về thực tiễn sản xuất, xả thải, quỹ đất... từ đó lên phương án xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. "Cần phải coi trọng công tác bảo vệ môi trường, nếu không mức tăng trưởng 7%/năm của thành phố tính ra vẫm âm, bởi phải xử lý môi trường" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo Hà Nội portal