Viện Quy hoạch Hải Phòng: 45 năm cho đô thị Hải Phòng “rộng dài, rực sáng”

Thứ ba, 25/11/2014 16:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cách đây 45 năm ngày 01/8/1969, Viện Quy hoạch và thiết kế Hải Phòng được thành lập trực thuộc Cục Quy hoạch và xây dựng.  

Sau 15 năm hoạt động đến năm 1982, Viện Quy hoạch và thiết kế Hải Phòng trực thuộc UBND TP.

Năm 1984 được đổi tên thành Viện Thiết kế Quy hoạch thuộc ủy ban xây dựng cơ bản TP. Năm 1988 Viện Thiết kế quy hoạch trực thuộc Sở Xây dựng Hải Phòng. Năm 1992, Viện Thiết kế quy hoạch đổi tên thành Viện Quy hoạch trực thuộc Sở Xây dựng.

Năm 1994, Viện Quy hoạch trực thuộc UBND TP, từ năm 2000 đến nay Viện Quy hoạch trực thuộc Sở Xây dựng. Qua 45 năm phát triển do yêu cầu, nhiệm vụ ở những thời điểm khác nhau mà vị trí và vai trò của Viện cũng có những thay đổi.

45 năm vượt qua bao khó khăn, thăng trầm trong thời chiến cũng như trong thời bình, cùng với ngành Xây dựng và nhân dân TP cảng. Cán bộ công nhân viên Viện Quy hoạch luôn đoàn kết, vươn lên hoàn thành tốt những nhiệm vụ được TP và Bộ Xây dựng giao đó là: Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thiết kế quy hoạch kiến trúc và các hoạt động có liên quan đến thiết kế quy hoạch kiến trúc, thiết kế các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các thị trấn huyện lỵ, thị xã, các vùng đầu tư tập trung theo kế hoạch Nhà nước. Và theo yêu cầu của TP nghiên cứu điều chỉnh đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và nông thôn.

Đồng thời Viện còn là đơn vị tham mưu cho Sở Xây dựng, UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc đô thị, về địa điểm xây dựng, tham gia thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập mặc dù cơ sở vật chất còn nghèo, trình độ chuyên môn chưa cao, nhưng lãnh đạo và CBCNV của Viện Quy hoạch đã luôn nỗ lực tìm tòi học tập nghiên cứu triển khai đồ án quy hoạch cải tạo và xây dựng TP Hải Phòng 15 năm sau chiến thắng.

Được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ Kiến trúc nghiên cứu giúp đỡ, đồ án đã được Thường vụ hội đồng Chính phủ thông qua. Năm 1974 - 1976, được sự giúp đỡ của Hội đồng hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Ba Lan, sự trực tiếp chỉ đạo của Đoàn chuyên gia Ba Lan, đoàn cán bộ của Bộ Xây dựng cùng Viện Quy hoạch Hải Phòng đã nghiên cứu quy hoạch Hải Phòng - Kiến An và khu nghỉ mát Đồ Sơn. Như vậy thời điểm này Hải Phòng đã xác định được đồ án quy hoạch phát triển đô thị toàn diện phân kỳ 5 năm, 10 năm, và 15 năm. Sự kiện quan trọng trên đã được Bộ Chính trị ra Nghị quyết 31 về quy hoạch phát triển đô thị của TP Hải Phòng.

Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP các đồ án quy hoạch của Viện đã đáp ứng kịp thời những chủ trương lớn của TP như việc khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; Viện đã khẩn trương lập quy hoạch các khu nhà ở tạm Cát Bi, Trại Chuối, Thượng Lý...

Đồng thời với việc xây dựng phát triển TP Hải Phòng, các đồ án quy hoạch hệ thống Cảng cửa Cấm, Đoạn Xá, Vật Cách, các KCN Văn Tràng, Xi măng, Thượng Lý, Sở Dầu, Đồng Tiến, Minh Đức Tràng Kênh và quy hoạch các khu nhà ở để TP đầu tư xây dựng hàng vạn mét vuông nhà ở chung cư mỗi năm tạo nên sự ra đời các khu nhà ở Vạn Mỹ, Cầu Tre, Đổng Quốc Bình, Đồng Tâm quốc tế, Nam Pháp, Quán Toan...

Ngoài ra Viện còn đi sâu nghiên cứu các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn cấp huyện, quy hoạch xây dựng thị trấn, huyện lỵ và quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của xã và hợp tác theo hướng tăng cường cấp huyện đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn XHCN.

Từ năm 1990 - 1993, Viện Quy hoạch Hải Phòng đã phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn - Bộ Xây dựng nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể xây dựng phát triển không gian TP Hải Phòng đến năm 2010. Ngày 20/12/1993 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, có tính chiến lược tạo điều kiện cho TP xây dựng những kế hoạch đầu tư cụ thể để nhanh chóng đưa TP Hải Phòng là một trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Duyên hải Bắc bộ, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đồng thời là một đô thị có vị trí quốc phòng trọng yếu.

Với định hướng và mục tiêu trên, từ năm 1993 - 2000, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, từng bước thực hiện được những ý đồ của quy hoạch tổng thể xây dựng phát triển không gian đô thị Hải Phòng đến năm 2010 đã được phê duyệt. Viện Quy hoạch đã kết hợp với các cơ quan nghiên cứu Trung ương và các ngành hoàn thành quy hoạch cấp nước đô thị; quy hoạch tổng thể giao thông; quy hoạch sử dụng đất cho mục đích phi nông nghiệp; quy hoạch chi tiết các KCN tập trung; quy hoạch chi tiết KĐTM Tây-Bắc TP; KCN Đông - Nam TP; Q.Lê Chân, Q.Hồng Bàng mở rộng và quy hoạch chung TX Kiến An làm cơ sở cho việc lập đề án chuyển TX Kiến An thành Q.Kiến An.

Kết quả công tác nghiên cứu lập quy hoạch từ sau khi có nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ TP và Nghị quyết số 06/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển đô thị Hải Phòng đến năm 2010 đã có sự chuyển biến về quan điểm nhận thức và phương pháp phù hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đầu tư đa ngành, đa thành phần, chú ý đến tính cộng đồng trong hưởng lợi và trong tham gia quản lý.

Năm 2000 - 2001 Viện Quy hoạch đã phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn - Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt tại Quyết định số 04/2001/QĐ-TTg ngày 10/01/2003. Sau Nghị định 72 của Chính phủ về việc phân loại đô thị. Viện Quy hoạch được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực nghiên cứu hoàn thành đề án nâng cấp TP Hải Phòng lên đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 92/2003/QĐ-TTg ngày 09/5/2003. Viện Quy hoạch kết hợp với Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam nghiên cứu quy hoạch phát triển Cảng nước sâu tại Hải Phòng đã được Bộ Chính trị và Nhà nước ghi nhận. Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc, trong đó có Cảng cửa ngõ (Cảng nước sâu) tại Lạch Huyện Hải Phòng, đến nay đang được triển khai xây dựng.

Viện đã triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các quận, các thị trấn, các KĐTM, khu vui chơi giải trí phục vụ phát triển đô thị với các đồ án đã được phê duyệt như: Đồ án quy hoạch chi tiết Q.Ngô Quyền, Q.Kiến An, thị trấn Vĩnh Bảo, An Lão, Tiên Lãng, Núi Đèo, Cát Bà, TX Đồ Sơn, KĐTM đường 353 (Cầu Rào - Đồ Sơn)...

Triển khai thực hiện Nghị quyết 47/2003/NQ-HĐND12 của HĐND TP khóa 12 về “Chương trình phát triển nhà ở TP Hải Phòng đến năm 2005, định hướng phát triển đến năm 2010 - 2020” và đáp ứng yêu cầu “Năm doanh nghiệp” và “Năm doanh nghiệp hội nhập” của TP đề ra, Viện Quy hoạch đã lập và thỏa thuận quy hoạch 261 đồ án chi tiết phục vụ các chủ đầu tư lập dự án phát triển nhà ở và đô thị; quy hoạch chi tiết phục vụ các chủ đầu tư lập dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn TP với 250 đồ án.

Đặc biệt là tổ chức thành công của hai cuộc triển lãm quy hoạch cấp TP về quy hoạch tổng thể xây dựng phát triển TP Hải Phòng đến năm 2010 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2020, đã quảng bá và tuyên truyền tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, được nhân dân ủng hộ và cùng giám sát thực hiện quy hoạch.

Giai đoạn từ năm 2004 đến nay thực hiện Nghị quyết 32 NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIII, trước yêu cầu phát triển TP Hải Phòng là TP Cảng, công nghiệp hiện đại, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc có cảng nước sâu, một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển, một trung tâm công nghiệp và thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ du lịch thủy sản, giáo dục và y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ, một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng an ninh.

Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của công tác quy hoạch tập thể cán bộ công nhân viên Viện đã tập trung để hoàn thành được những đề án lớn đáp ứng chủ trương của thành ủy, UBND. Đề án hình thành khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thành lập tại Quyết định số 06/2008/QĐ-TTg ngày 10/01/2008, đồ án thí điểm thiết kế đô thị khu 2 Đồ Sơn được Bộ Xây dựng chỉ đạo và UBND TP phê duyệt, Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc bộ gồm 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 865/QĐ-TTg ngày 10/7/2008, đồ án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2019.

Đồ án nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian TP Hải Phòng giai đoạn 1993 - 2001 - 2009 và các đồ án quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; các KCN, khu chức năng đô thị trên địa bàn TP đã phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và các cấp chính quyền trong phát triển kinh tế xã hội.

Trong công tác tham mưu về quản lý quy hoạch xây dựng: Viện đã chủ động đề xuất xây dựng đề án quy hoạch và cơ chế chính sách có tính đột phá cho sự nghiệp phát triển TP Hải Phòng như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp đô thị Hải Phòng lên đô thị loại I, thành lập Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và mở rộng khu vực nội thành từ 3 quận (1993) lên 7 quận (2008).

Thực hiện công khai việc hướng dẫn các chủ đầu tư làm thủ tục xây dựng; lập hồ sơ giới thiệu địa điểm xây dựng; thỏa thuận quy hoạch các công trình kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu cho Sở Xây dựng và UBND TP trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý công tác xây dựng theo quy hoạch; tham gia vào đề án tăng cường quản lý trật tự xây dựng và dự thảo quy định quản lý kiến trúc quy hoạch, xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2025 và đồ án quy hoạch phân khu các quận.

Kết quả công tác quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch trong những năm qua của Viện Quy hoạch tuy chưa lớn nhưng đã góp phần quan trọng vào việc tham mưu quản lý xây dựng trên địa bàn TP từng bước đi vào nề nếp, xây dựng được những dự án chiến lược về phát triển TP, giúp lãnh đạo TP, chính quyền địa phương và các sở ngành chỉ đạo và có cơ sở vạch ra những kế hoạch đầu tư cụ thể về nhà ở, phát triển cảng, công nghiệp, du lịch...

Điển hình là các công trình đã được đầu tư xây dựng như: KĐT Ngã 5 - Sân bay Cát Bi; đường 353 (Cầu Rào - Đồ Sơn); Dự án cấp nước 1A; Dự án thoát nước 1B; Các KCN, góp phần tích cực vào những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của TP.

Điều đáng phấn khởi và tự hào là công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch đô thị và nông thôn ngày càng phát triển, đội ngũ những người làm quy hoạch tích lũy được nhiều kinh nghiệm, áp dụng sáng tạo và có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác nghiên cứu cụ thể... Từ đó mạnh dạn và chủ động vươn lên đảm nhiệm những nhiệm vụ mới lớn lao hơn trong sự nghiệp xây dựng phát triển TP.

Qua 45 năm xây dựng và phát triển trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đội ngũ cán bộ công nhân viên của Viện đã trưởng thành với 64 CBCNV, trong đó có 20 người có trình độ thạc sỹ, 37 là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư đô thị có trình độ chuyên môn cao, có khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch, thiết kế đô thị.

Với phương châm chủ động nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, Viện đã tổ chức giao lưu học hỏi kết hợp nghiên cứu với các Viện Trung ương, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Các trung tâm tư vấn trong nước và quốc tế như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Viện đã đưa ra những sản phẩm quy hoạch có tính khả thi cao, đáp ứng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa TP.

Đánh giá về kết quả quản lý và phát triển đô thị Hải Phòng giai đoạn vừa qua, tại Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa 14 đã nêu rõ: “Qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển và quản lý đô thị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP (khoá 12), tốc độ phát triển đô thị khá nhanh; quy mô, kích cỡ và không gian đô thị được mở rộng, diện tích tăng 4,7 lần (từ 7.359ha lên 34.289ha), dân số tăng 1,45 lần (từ 590.200 người lên 858.800 người) so với năm 2002; phát triển thêm 3 quận mới với 21 phường và dân số đô thị tăng thêm 198.600 người. Cùng với quy hoạch phát triển đô thị, công tác quy hoạch nông thôn được quan tâm, phê duyệt quy hoạch chi tiết 16 thị trấn, thị tứ, điểm dân cư nông thôn.

Các KĐT cũ từng bước tập trung nâng cấp, cải tạo chỉnh trang. Căn cứ quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tập trung lập các quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững như: Quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch sử dụng điện năng, quy hoạch thu gom và xử lý chất thải, quy hoạch bảo vệ các nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản; trong lĩnh vực xã hội lập các quy hoạch văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, y tế... Bộ mặt đô thị Hải Phòng có bước chuyển biến tích cực theo các tiêu chí đô thị sáng, xanh, sạch đẹp.

Thiết kế đô thị và quy hoạch ngành nghề đô thị được quan tâm, hình thành các ngành kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế TP cảng biển, trung tâm vùng Duyên hải Bắc bộ như: Quy hoạch khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; quy hoạch 17 KCN, 30 cụm công nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển cảng, dịch vụ cảng, lĩnh vực kinh tế biển, logistics, kinh tế thuỷ sản bao gồm các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, du lịch biển.

Quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng từng bước chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên chính thức của tổ chức CITYNET (Hiệp hội đô thị châu Á, Thái Bình Dương), tranh thủ các nhà tư vấn và các nguồn vốn từ WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng châu Á), Tập đoàn SAMAN (Hàn Quốc), Cty tư vấn Nikken Seikkei (Nhật Bản), áp dụng bộ chỉ số quản lý đô thị toàn cầu vào công tác thiết kế quy hoạch và quản lý phát triển đô thị”.

Tuy vậy, Nghị quyết 04-NQ/TU cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như: “Kiến trúc đô thị Hải Phòng thiếu tính đặc trưng, chất lượng kết cấu hạ tầng đô thị như: Cấp, thoát nước, giao thông đô thị, hạ tầng thông tin... quá tải, thiếu đồng bộ, tỷ lệ cây xanh, khoảng xanh đô thị chưa bảo đảm tiêu chuẩn của đô thị loại I. Dịch vụ đô thị như cấp nước, thoát nước, cung cấp năng lượng, thông tin, viễn thông, quản lý và xử lý chất thải hạn chế”.

Những nhận định trên của Nghị quyết 04-NQ/TU Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa 14 đòi hỏi mỗi CBCNV của Viện cần phải đề ra nhiều giải pháp để phát huy những thành tích đã đạt được, vượt lên mọi khó khăn, khắc phục những yếu kém tồn tại, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác nghiên cứu thiết kế quy hoạch và quản lý quy hoạch trong tình hình mới đạt kết quả tốt, hiệu quả cao.

Trên chặng đường xây dựng và phát triển, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, Viện Quy hoạch luôn coi trọng công tác bổ sung đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn. Là một đơn vị sự nghiệp với một thời gian dài hơn 15 năm, số lượng cán bộ công nhân viên với chỉ tiêu là 41 người.

Song để hoàn thành nhiệm vụ với khối lượng lớn và yêu cầu chất lượng cao, Lãnh đạo Viện đã đề xuất và được sự đồng ý của Sở Nội vụ, Sở Xây dựng và UBND TP, trong những năm qua đã nhận thêm nhiều đồng chí là kiến trúc sư, kỹ sư đô thị hệ chính quy với phương thức hợp đồng và thực hiện phương án bổ sung, đảm bảo nguồn nhân lực thay thế các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu. Đây là lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ với tinh thần lao động sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác nghiên cứu quy hoạch.

Ngoài ra Viện quy hoạch còn thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, chăm lo đời sống và các hoạt động cho CBCNV. Hàng năm Viện tạo điều kiện cho cán bộ đi học các lớp sau đại học, trung cấp và cử nhân chính trị, tổ chức cho các đồng chí kiến trúc sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đi tham quan kiến trúc, quy hoạch đô thị, cũng như theo học các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn do các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội trong nước tổ chức. Thông qua phương pháp đào tạo bồi dưỡng nêu trên trình độ chuyên môn của tập thể KTS, KS trong Viện đã được nâng lên đáng kể.

Về đời sống vật chất và tinh thần của CBCNV trong Viện đã được cải thiện từng bước. Mọi người đều có đủ việc làm có thu nhập ổn định. Hàng năm, Viện tổ chức cho CBCNV đi thăm quan du lịch học tập trong nước và nước ngoài để động viên người lao động phấn khởi, hăng hái thi đua sản xuất. Viện dành kinh phí để khen thưởng lao động giỏi, chiến sỹ thi đua, thưởng tập thể xuất sắc, cá nhân và tập thể công đoàn xuất sắc công trình đạt chất lượng cao, khen thưởng các cháu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến là con em CBCNV trong Viện.

Những thắng lợi mà Viện đạt được trong những năm qua đã thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò của Ban chấp hành Đảng bộ bộ phận Viện Quy hoạch trong việc chỉ đạo xây dựng củng cố bộ máy hoạt động từ tổ chức Đảng, chính quyền đến các đoàn thể quần chúng trong toàn Đảng bộ, tạo điều kiện cho từng cán bộ, đảng viên phát huy phẩm chất năng lực của mình trong công tác chuyên môn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở các cấp lãnh đạo trong Viện. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ Viện luôn được công nhận là cơ sở Đảng đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”.

Công đoàn của Viện thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ đối với người lao động do Nhà nước ban hành.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Viện đã phát huy là lực lượng xung kích trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và nghiên cứu. Được Đảng ủy và lãnh đạo Viện quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện vật chất,tinh thần và thời gian để Đoàn hoạt động. Các đoàn viên thêm tin tưởng, phấn khởi, năng động, sáng tạo, tình nguyện góp phần tích cực , tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác và đẩy mạnh phong trào thanh niên bằng những việc làm cụ thể thiết thực như: Đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, vận động đoàn viên tham gia các đợt hiến máu nhân đạo…

Với những thành tích đạt được trong những năm qua Viện Quy hoạch Hải Phòng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc cho tập thể và cá nhân. CĐXDVN, Liên đoàn lao động TP; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Thành đoàn Hải Phòng... tặng bằng khen và nhiều phần thưởng. Những phần thưởng cao quý trên là nguồn cổ vũ động viên vô cùng to lớn đối với tập thể CBCNV của Viện tiếp tục vươn lên vì sự nghiệp quy hoạch xây dựng phát triển TP Hải Phòng.

Trong niềm phấn khởi, vinh dự, tự hào hôm nay, thay mặt lãnh đạo và CBCNV Viện Quy hoạch Hải Phòng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hải Phòng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Sở Xây dựng Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo Viện trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển; xin cảm ơn sự phối hợp, cộng tác của các cơ quan nghiên cứu của chuyên gia các bộ, ngành Trung ương, các Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch và bạn bè đồng nghiệp trong cả nước, các đơn vị và chuyên gia tư vấn nước ngoài, các sở, ban ngành của TP, các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn TP đã giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Viện và CBCNV của Viện qua các thời kỳ đã đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của Viện; xin cảm ơn các cơ quan thông tin truyền thông Trung ương và địa phương trong suốt thời gian qua đã giúp đỡ tạo điều kiện, động viên đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Viện quy hoạch Hải Phòng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP Hải Phòng tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc cho tập thể và cá nhân. CĐXDVN, Liên đoàn lao động TP; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Thành đoàn Hải Phòng... tặng bằng khen và nhiều phần thưởng.

 

 

Theo Báo Xây dựng điện tử

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)