Thanh Hoá: Huy động cả hệ thống chính trị
Thực hiện Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 1106/BXD-QLN ngày 09/7/2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thí điểm hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt, Sở Xây dựng Thanh Hoá phối hợp với Sở Nội vụ trình đã UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) chương trình 716 (do 1 Phó chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban, Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực) gồm lãnh đạo các ngành: Xây dựng, Tài chính, NN&PTNT, LĐTB&XH, UBMTTQ, Tỉnh Đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sau khi thành lập BCĐ, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành khẩn trương lựa chọn hai trong số các xã thường xuyên bị ngập lụt, có đông hộ nghèo có nhu cầu xây dựng chòi tránh lũ để lên danh sách, báo cáo UBND tỉnh ra quyết định.
Để triển khai đúng tiến độ, theo kế hoạch của BCĐ, từ 10-31/8/2012 các huyện có xã được lựa chọn sẽ thành lập BCĐ cấp huyện, UBND các xã được lựa chọn kiện toàn Ban giảm nghèo. Cùng với đó. Sở Xây dựng và các ngành liên quan hướng dẫn các đơn vị bình xét đối tượng hưởng lợi, hoàn thiện việc lập danh sách hộ nghèo, trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi danh mục các xã và danh sách hộ nghèo về Bộ Xây dựng. Cùng thời gian, giao Viện Quy hoạch tiến hành thiết kế mẫu chòi phòng tránh lũ, lụt (miễn phí) để người dân lựa chọn.
Sau khi các bước chuẩn bị được hoàn thiện, từ tháng 9/2012 - 3/2013, UBND tỉnh sẽ tiến hành phân bổ nguồn vốn Trung ương và các nguồn huy động khác cho các huyện để giao cho các xã. Cùng với đó, thông báo danh sách hộ được hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành giải ngân cho vay vốn đến các hộ nghèo để triển khai xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt theo đúng tiến độ đã đề ra, hoàn thành vào tháng 3/2013.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hoá, để Chương trình thực sự phát huy hiệu quả, trở thành mô hình có thể nhân rộng trong thời gian tiếp theo, công tác lựa chọn, lập danh sách các xã, các hộ được hỗ trợ có vai trò hết sức quan trọng và đang được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tổ chức thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo nguồn vốn của chương trình được đầu tư đúng mục đích, đối tượng.
Nghệ An: Ngành Xây dựng vào cuộc tích cực
Nghệ An và Hà Tĩnh là những tỉnh hàng năm thường xuyên phải chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Mùa mưa bão đang đến gần hơn lúc nào hết người dân nơi đây đang rất cần có sự hỗ trợ về kinh phí, hỗ trợ về mô hình xây dựng nhà để có thể yên tâm sinh sống trong mùa mưa bão. Ông Nguyễn Đức Tam, xóm 6, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cho biết: “Nhà ở vùng ngoài đê cứ có mưa lớn là nước ngập vào nhà, nhiều năm tài sản bị nước lũ cuốn trôi hết. Ở đây người dân chúng tôi đều rất khổ, mong chính quyền có sự hỗ trợ xây dựng một mô hình nhà để người dân có thể yên tâm sống trong mùa mưa lũ”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân và chính quyền khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt tại Nghệ An đều có chung mong muốn sớm có một mô hình nhà có thể chống được mưa lũ. Ông Nguyễn Công Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hưng Nhân là một xã nghèo nằm ngoài đê sông Lam, hàng năm thường xuyên bị ngập lụt khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Để người dân ổn định cuộc sống chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về kinh phí, hỗ trợ về mô hình xây dựng nhà ở có khả năng thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương. Thời gian qua chúng tôi có nghe Nhà nước sẽ triển khai xây dựng chòi chống lũ tại địa phương, người dân đều rất vui, chỉ mong chương trình sớm triển khai để không còn lo lắng, khổ sở khi mùa mưa bão đến”.
Thực hiện Quyết định 716/QĐ-TTg, tại Nghệ An, Sở Xây dựng đã giao cho Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An thực hiện thiết kế 3 mẫu chòi phòng tránh lũ lụt phù hợp với đặc trưng khí hậu, địa chất tại các khu vực xây dựng. Ông Lương Bá Quảng - Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An cho biết: “Hiện tại Viện đã thực hiện xong thiết kế xây dựng 3 mẫu chòi cho người dân vùng lũ. Tiêu chí quan trọng nhất của các mẫu thiết kế là phải đảm bảo khoa học, hợp lý, giá thành thấp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương xây dựng. Hiện các mẫu Viện thiết kế có diện tích khoảng 10m2, giá thành khoảng từ 20 - 35 triệu đ/căn. Việc thiết kế xây dựng mẫu không gặp khó khăn vì trước đây chúng tôi đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư cho khảo sát, thiết kế và xây dựng 3 căn nhà chống lũ tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên. Khó khăn theo tôi không phải ở khâu thiết kế mà quan trọng là cần có sự hỗ trợ về kinh phí xây dựng cho người dân, sự vào cuộc của chính quyền các cấp để chương trình sớm được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế”.
Hà Tĩnh: Mong sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống
Tại Hà Tĩnh, sau khi có chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng, tỉnh đã chọn 2 xã hàng năm bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bão, lũ là xã Sơn Thịnh (huyện Hương Sơn) và xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) để triển khai chương trình xây dựng chòi chống lũ, mỗi xã sẽ có 50 hộ được chọn xây dựng chòi. Theo ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh. Để tạo điều kiện cho người dân trong việc xây dựng, Ngân hàng Chính sách sẽ cho mỗi hộ nghèo được vay tối đa không quá 10 triệu đồng trong vòng 10 năm với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí rõ ràng để các xã, các huyện có cơ sở sắp đặt thứ tự ưu tiên từ dưới lên và sau khi đối tượng được xét Ngân hàng Chính sách sẽ tiếp cận và cho vay vốn.
Quảng Bình: Rà soát hộ nghèo được hưởng
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 716/QĐ-TTg, tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Xây dựng phối hợp UBND huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh chọn 100 hộ nghèo nơi hàng năm bị ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ để triển khai thí điểm dự án. Đối tượng được hỗ trợ xây dựng chòi phòng, tránh lũ lụt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chưa có nhà kiên cố, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... Chòi phòng, tránh lũ lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m, diện tích tối thiểu 10m2 với trị giá tối thiểu 30 triệu đ/chòi. Trong đó, các hộ được xây dựng chòi phòng, tránh lũ lụt sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đ/hộ, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 10 triệu đ/hộ và đóng góp của hộ gia đình, huy động từ các nguồn vốn khác với mức tối thiểu 10 triệu đ/hộ. Các hộ trên sẽ được vay với mức lãi suất 3%/năm, thời hạn vay 10 năm với thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay... Thời gian triển khai thực hiện thí điểm xây dựng chòi phòng, tránh lũ lụt từ tháng 10/2012 - 3/2013. Tháng 4 - 6/2013 sẽ đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quốc Anh - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết, nhận được văn bản về hỗ trợ chòi chống, tránh lũ lụt cho 100 hộ nghèo.
Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo do địa phương lựa chọn). Theo đó, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6 m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố; giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi phòng tránh lũ, lụt. |
Theo Báo Xây dựng điện tử