Công bố quy hoạch Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Thứ tư, 01/08/2012 09:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo dự kiến, ngày 01/8, UBND TP sẽ tổ chức lễ công bố Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khu di tích (KDT) Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (thuộc P.Quan Thánh, Q.Ba Đình, TP Hà Nội) cùng khu Thành Cổ thuộc Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. KDT đồng thời nằm trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, bên cạnh là công trình Nhà Quốc hội đang xây dựng, vì vậy đây là quy hoạch đặc thù, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (số 696/QĐ –TTg ngày 8/6/2012), trong mặt bằng KDT 18 Hoàng Diệu (tổng diện tích 4,538ha) chỉ bố trí sử dụng đất khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính; diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học; diện tích khảo cổ học phục vụ tiếp tục nghiên cứu; khu vực kỹ thuật, phụ trợ; sân, đường giao thông. Chiều cao công trình xây mới trong KDT tối đa 5m.

Cụ thể, khu trưng bày bảo quản tại chỗ A-B (diện tích khoảng 11.700m2), D4-D6 (2.050m2) xây dựng dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản. Các nhà trưng bày có các chức năng như không gian sảnh đón, không gian lối đi kết hợp trưng bày các hiện vật khảo cổ, thông tin dưới dạng bản vẽ, hình ảnh, mô hình, sa bàn… Công trình sử dụng giải pháp kết cấu vượt nhịp lớn, đảm bảo khả năng chịu lực, thông thoáng, hình thức kiến trúc đơn giản, hiện đại, hài hòa với kiến trúc công trình Nhà Quốc hội.

Khu kỹ thuật, phục vụ và quản lý gồm các không gian như khu làm việc của bộ phận quản lý thuyết minh, khu vận hành kỹ thuật, khu vực đón tiếp… và khu vực bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật như bể ngầm, trạm bơm nước, khu vệ sinh và khu kỹ thuật điện được bố trí hợp khối trong nhà trưng bày theo hướng hạ ngầm để giảm mật độ xây dựng.

Khu sân, vườn kết hợp trưng bày hầm kính ngoài trời gồm các khu vực không xây dựng, được quy hoạch thành khu cây xanh, đường dạo để dự trữ khảo cổ học. Trong khu vực này lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố D2-D3, A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Với khu C4-C6 là khu vực có dấu tích kiến trúc công trình nền móng hình bát giác đặc biệt tiêu biểu cần tiếp tục nghiên cứu. Giải pháp bảo quản theo phương án lấp đất, sau đó có thể phỏng dựng, đánh dấu theo đúng vị trí vết tích kiến trúc gốc trên bề mặt lấp, trưng bày một số dấu tích chân tảng và một phần nền lát gạch dưới dạng hầm kính.

Theo kế hoạch bảo tồn, khảo cổ, KDT sẽ tiếp tục được nghiên cứu khảo cổ nhằm xác định rõ hơn về quy mô chức năng, danh tính của các dấu tích, di chỉ khảo cổ học. Tại các khu vực phát lộ nếu xuất hiện các giá trị đặc biệt quan trọng sẽ nghiên cứu, hội thảo đề xuất giải pháp bảo tồn, trưng bày giới thiệu một cách phù hợp. Tuyến tham quan được tổ chức theo hướng đảm bảo tính xuyên suốt, không bị chồng chéo, gián đoạn, kết nối thuận tiện KDT 18 Hoàng Diệu với tuyến tham quan Nhà Quốc hội và tuyến tham quan khu Thành Cổ.

Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, KDT bố trí 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng vào chính được xác định tại phía Nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn. Các cổng còn lại là cổng phụ chỉ sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Trong nội bộ KDT thiết kế hai tuyến đường tham quan đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan. Các tuyến đường theo hướng trục của Nhà Quốc hội và dấu tích các công trình kiến trúc. Chiều rộng và kết cấu đường của các tuyến chính bảo đảm cho xe cứu hộ và xe phòng cháy chữa cháy sử dụng khi cần thiết. Để đảm bảo hài hòa trong tổng thể kiến trúc cảnh quan, xung quanh Nhà Quốc hội tạo lối đi bộ và phân cách mềm bằng hàng rào cây xanh…

KDT18 Hoàng Diệu còn được kết nối khu Thành Cổ bằng đường ngầm qua đường Hoàng Diệu để tạo thành chỉnh thể thống nhất và liên tục trong Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Trong KDT, không bố trí chỗ để xe mà khu để xe của khách tham quan và bộ phận quản lý kết hợp với khu để xe chung được quy hoạch trong khu Trung tâm Chính trị Ba Đình.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm triển khai tuyển chọn phương án kiến trúc, xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng phù hợp với các nội dung của đồ án được duyệt… Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp cùng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, UBND TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tổ chức giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá phát huy giá trị khu di sản.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)