Sau hơn 15 năm tái lập tỉnh, TX Bắc Kạn có tốc độ đô thị hoá rất nhanh. Hàng loạt các công trình trụ sở, trường học, bệnh viện, đường giao thông và các kết cấu hạ tầng được xây dựng. Dân số của TX cũng tăng rất nhanh do tăng về cơ học. Khu trung tâm đô thị đã có hàng trăm cơ quan, đơn vị, xí nghiệp có trụ sở xây dựng. TX cũng là nơi tập trung các trụ sở của các cơ quan đầu não của tỉnh, trung tâm vui chơi, thể thao của nhân dân. Xây dựng TX Bắc Kạn với tiêu chí đô thị loại III vào trước năm 2015, đô thị loại II vào giai đoạn 2020 - 2030 đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh Bắc Kạn, là đô thị hạt nhân thúc đẩy lan tỏa để tạo ra năng lực tăng trưởng cao cho các địa phương khác trong tỉnh, đồng thời thể hiện diện mạo chung của tỉnh miền núi. Có tốc độ tăng trưởng và phát triển cao, toàn diện bao gồm các ngành: Công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ thương mại, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu mối. Là vùng sinh thái thiên nhiên, vùng bảo tồn văn hóa - lịch sử bền vững của cộng đồng các dân tộc vùng núi phía đông bắc và là vùng trung tuyến, hậu phương vững chắc đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng biên giới phía Bắc.
Hiện TX có 52.835 người, (dân số thường trú 37.739; dân số tạm trú quy đổi là: 15.096 người); trong đó khu vực nội thị có 24.942 người. Dự báo, đến năm 2015 TX là 48 nghìn người và đến năm 2020 là 60 nghìn người.
Quy hoạch chung xây dựng 2010 - 2020
Các chuyên gia về kiến trúc cho rằng, phát triển TX Bắc Kạn phải lấy dòng sông Cầu làm trung tâm, phát triển đô thị 2 bờ sông và lấy sông Cầu là hành lang xanh có cảnh quan đẹp để gắn kết với các vùng lâm viên xanh ở phía bắc, phía đông nam, phía tây và phía tây nam làm hệ hô hấp cho TX, cấu trúc đô thị khai thác và nhấn mạnh cấu trúc địa hình tự nhiên của các ngọn núi vây quanh trong một lòng chảo hùng vĩ. Tạo một đô thị miền núi đặc trưng hòa đồng với cảnh quan thiên nhiên đẹp đảm bảo môi trường bền vững.
Vì thế, nội dung điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng 2010 - 2020 được xác định là: Hướng mở rộng đô thị đến năm 2020 mở rộng ra một phần các xã Huyền Tụng, Dương Quang, Xuất Hoá; Dự kiến mở rộng ranh giới từ nay đến năm 2015: Thêm các phường mới để đô thị sẽ có 7 phường và 4 xã. 3 phường mới dự kiến phát triển là: Phường phía bắc gắn chặt với dự án du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt. Phường phía tây nam gắn chặt với tuyến giao thông đối ngoại là đường Hồ Chí Minh - Hà Nội - Bắc Kạn - Pắc Pó đi qua TX Bắc Kạn. Phường phía nam (khu vực Xuất Hóa): Là khu vực có điều kiện về đất đai hạ tầng kỹ thuật để đô thị hóa và thực trạng khu vực này đã và đang đô thị hóa cao.
Sau khi phát triển thêm 3 phường TX Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên là 13.688ha. Trong đó: 7 phường nội thị diện tích là 4.463ha còn 4 xã ngoại thị sẽ thu hẹp lại chỉ còn 9.224,3ha.
Hướng phát triển đô thị sau năm 2030
Sau khi TX Bắc Kạn lên TP sẽ là một đô thị miền núi phát triển mạnh trong vùng núi phía Bắc. Đô thị đòi hỏi phát triển toàn diện và vững chắc. Vì vậy đô thị cần phải có hậu thuẫn vững chắc về đất đai. Có các yếu tố đầy đủ: Công thương, nông - lâm nghiệp, đảm bảo các vùng nguyên liệu các vùng sản xuất an ninh lương thực phục vụ đô thị, để đô thị phát triển bền vững, toàn diện. Đó là sự cần thiết phải mở rộng ranh giới TX thêm về các xã: Cẩm Giàng ở phía bắc, Quang Thuận ở phía tây và Mỹ Thanh ở phía đông.
Theo đó, các khu chức năng chính cần điều chỉnh gồm: Cụm công nghiệp TTCN, kho tàng: Hình thành 2 KCN là: Huyền Tụng và Xuất Hoá.
Cơ quan hành chính nhà nước: Bổ sung xây mới khu liên cơ quan, nhà ở hỗn hợp: Sở Nội vụ, cơ quan lưu trữ và các ban, ngành, tại vị trí trên đường Nguyễn Văn Tố ở phía đông Trường trung cấp nghề.
Để tăng tiềm năng phát triển du lịch ở TX Bắc Kạn phải hình thành được các cơ sở du lịch và điểm du lịch. Ngoài việc xây dựng hệ thống khách sạn tại trung tâm, dự kiến xây dựng 3 khu du lịch sinh thái trong TX là Thác Giềng, Khau Dạ và Nậm Cắt. Song song kết hợp bảo tồn duy tu khu rừng Phặc Tràng và trồng cây gây rừng tạo nên khu rừng thứ 2 giữa lòng TX là Bản Áng. Ngoài các khu du lịch sinh thái trên cần tổ chức khôi phục hệ thống các công trình tâm linh như: Đền Mẫu, đền Cô, đền Thác Giềng….
Công trình Thị ủy, HĐND, UBND TX Bắc Kạn xây dựng tại KĐT phía nam (đường Trường Chinh) sau này sẽ chuyển sang khu bắc Sông Cầu (khu Phặc Tràng). Trong tương lai khu bắc Sông Cầu gắn với khu vực hồ Nặm Cắt sẽ là KĐT tổng hợp, bao gồm: Trung tâm Hành chính, đô thị du lịch - dịch vụ - thương mại - giáo dục - khu ở sinh thái của TX Bắc Kạn và trung tâm thiết chế hạ tầng văn hóa.
Các công trình công cộng khác, như: Sân vận động quy hoạch năm 2005 xác định ở khu Phặc Tràng nay điều chỉnh xây dựng tại khu vực sân bay, vị trí cũ để xây dựng khu nhà ở và cây xanh ven sông Cầu; Bệnh viện Đa khoa 500 giường tỉnh Bắc Kạn được xây dựng tại khu Pá Danh, địa điểm cũ để xây dựng Bệnh viện điều trị bệnh xã hội; Trường trung cấp Y chuyển về xây dựng tại khu Pá Danh sát Bệnh viện Đa khoa 500 giường, khu vực cũ dành cho xây dựng các công trình công cộng; Nhà Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn được xây dựng tại vị trí cơ quan Thị ủy, HĐND và UBND TX Bắc Kạn trong khi đó Khu Triển lãm hội chợ quy hoạch chung năm 2005 bố trí ở khu Phặc Tràng nay điều chỉnh xây dựng tại bến ôtô hiện tại, còn bến ôtô sẽ chuyển về vườn Mơ...
Có thể nói, việc điều chỉnh, bổ sung một số khu chức năng đảm bảo phù hợp yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và cho lâu dài. Tạo lập các cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hóa; phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, thương mại; phát triển mạnh về công nghiệp chế biến các sản phẩm kinh tế rừng và các sản phẩm truyền thống; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho đề án nâng cấp đô thị lên loại III vào năm 2012, đô thị loại II vào giai đoạn 2020 - 2025, đưa TX Bắc Kạn trở thành một trong những đô thị tiêu biểu của khu vực miền núi phía Bắc.
Theo Báo Xây dựng điện tử