Tỉnh Thái Bình xác định xây dựng quy hoạch TP định hướng không gian mở theo 4 cực: Cực đông bắc nhằm khai tác tiềm năng của QL10, có hướng đối ngoại đi TP Hải Phòng và vùng Duyên hải Bắc bộ. Cực đông phát triển theo hướng khu vực mới mở rộng Vũ Lạc, khai thác năng lực của các tuyến giao thông vành đai phía nam tỉnh. Cực đông nhằm khai thác tiềm năng hướng đối ngoại với tỉnh Nam Định. Cực tây bắc phát triển tiềm năng theo hướng đối ngoại với tỉnh Hưng Yên.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quy hoạch đồng bộ, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng trong đó có những đồ án quan trọng, như: Quy hoạch mở rộng đấu nối giao thông của TP vào hệ thống đường trục quốc gia, quy hoạch xây dựng các tuyến đường giao thông nội đô (đường vành đai phía nam, Ngô Quyền, Đốc Đen, Trần Lãm, Lê Quý Đôn...) tạo tiền đề cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội của TP trong tương lai.
Hệ thống cấp thoát nước chung, các công trình phúc lợi công cộng (công viên 30/6, Kỳ Bá, Quảng trường 14/10...). Quy hoạch 510ha dành cho các khu, cụm, điểm công nghiệp như Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Phong Phú, Trần Lãm, Sông Trà; quy hoạch chi tiết trung tâm các phường, xã (Kỳ Bá, Quang Trung, Đông Thọ, Phú Xuân, Hoàng Diệu)...; quy hoạch 120ha xây dựng các khu chung cư, đô thị mới... tạo tiền đề thu hút các DN tham gia đầu tư xây dựng góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Coi công tác quy hoạch là vấn đề chiến lược, luôn phải đi trước một bước làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng công trình, xây dựng đô thị mới và công tác chỉnh trang phát triển đô thị, UBND tỉnh Thái Bình đã chú trọng đặc biệt đến công tác quản lý quy hoạch đô thị nhằm đạt được mục tiêu xây dựng TP Thái Bình cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015 và trở thành đô thị loại II trước năm 2020, như kế hoạch đã đặt ra.
Công tác quản lý quy hoạch đô thị được triển khai tổng thể và toàn diện trên tất cả các mặt như: Quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng, cảnh quan môi trường và được phân cấp cụ thể để tránh hoạt động chồng chéo giữa các cấp, ngành. "Chúng tôi tiến hành phân cấp rõ ràng chức năng, nhiệm vụ từng cấp trong hoạt động quản lý đô thị. Nhờ sự phân cấp này, hoạt động quản lý đô thị ở Thái Bình diễn ra rất thuận lợi, mang lại hiệu quả cao", ông Phùng Tất Chính - Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng Thái Bình cho biết.
Quản lý hoạt động xây dựng là một trong những vấn đề khó của quản lý đô thị. Để thực hiện tốt vấn đề này, Sở Xây dựng Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những quy định về xử phạt nghiêm những trường hợp xây dựng vi phạm luật.
Tổ chức quản lý đô thị theo quy hoạch chung xây dựng TP Thái Bình đến năm 2030 đang được tỉnh Thái Bình thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm đưa Thái Bình, một TP còn khá "trẻ" sớm trở thành một TP năng động, hiện đại của khu vực đồng bằng Sông Hồng trong tương lai không xa.
Theo đề án, đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị bình quân ở Thái Bình sẽ là 113m2/ người. Đất đân dụng bình quân đạt 93,8m2/ người, trong đó đất các khu ở là 61,8m2/ người và 80% lượng nước cấp được thu gom và xử lý...
Theo Báo Xây dựng điện tử