Thành phố Vinh thí điểm triển khai Chương trình Tiết kiệm sinh thái

Thứ hai, 18/04/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong khuôn khổ hội thảo “Chuyển giao và áp dụng mô hình thực tiễn tốt khu vực Đông Nam Á” (thuộc dự án “Chương trình hợp tác vì quản trị địa phương dân chủ Đông Nam Á” - DELGOSEA) do Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Đức) và Hiệp hội Chính quyền đô thị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phối hợp tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội, 3 mô hình thực tiễn tốt của các nước đã được giới thiệu và áp dụng cho đô thị của Việt Nam.

Đầu tiên là Chương trình Tiết kiệm sinh thái của TP Marikina (Philipine) áp dụng cho TP Vinh. Theo đó, từ năm 2004, các trường tiểu học trong TP Marikina ấn định một ngày trong tuần là ngày Sinh thái để học sinh, giáo viên đem các chất thải có thể tái chế được từ hộ gia đình đến nhà trường. Phế liệu này sẽ được cân đo và tính theo giá thị trường tại thời điểm đó. Số tiền bán phế liệu sẽ gửi vào ngân hàng và quy thành điểm trong sổ Tiết kiệm sinh thái của mỗi học sinh (người tiết kiệm sinh thái). Các em có thể dùng điểm trong số tiết kiệm sinh thái mua sắm (đổi lấy) dụng cụ học tập như sách, vở, cặp sách, đồ chơi và cả đường, sữa, gạo, bánh kẹo… trong cửa hàng tiết kiệm sinh thái (có dạng ô tô, xe buýt lưu động).

Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình Tiết kiệm sinh thái nhận được sự ủng hộ của chính quyền nhiều TP ở Philippine. Chương trình góp phần quản lý, phân loại chất thải rắn phát sinh ngay từ hộ gia đình đồng thời đem lại lợi ích kinh tế nhất định cho người tiết kiệm sinh thái và tiết kiệm chi phí xử lý chất thải cho chính quyền TP. Và hơn tất cả, Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của các công dân nhỏ tuổi trong việc bảo vệ môi trường sống cũng như hiểu về lợi ích kép của việc thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn…

Tại Việt Nam, với tài trợ của dự án DELGOSEA và UBND TP Vinh, hai trường THCS Hưng Dũng và trường Tiểu học Hưng Dũng 1 của TP Vinh được chọn để áp dụng thí điểm Chương trình tiết kiệm sinh thái trong 2 năm 2011 - 2012. Ước tính, với khối lượng và chủng loại phế thải tái chế được quy đổi thành tiền là 10 nghìn đồng/học sinh/tháng và với 1.400 học sinh, hai trường sẽ thu được 126 triệu đồng/năm từ Chương trình. Và cũng từ đây, dự án kỳ vọng: Môi trường cảnh quan của phường Trung Dũng sẽ được cải thiện, nhận thức của học sinh và dân cư trên địa bàn về bảo vệ môi trường cũng được nâng cao…

Cũng trong khuôn khổ dự án DELGOSEA, TP Đà Nẵng đã được chọn triển khai áp dụng mô hình “bảo tồn và phát triển phố cổ” của TP Phuket (Thái Lan), TP Trà Vinh được lựa chọn áp dụng mô hình Chính phủ điện tử của TP Yogjakarta (Indonesia). Chia sẻ những mô hình thực tiễn tốt, dự án DELGOSEA đã và đang góp phần thiết lập triển vọng hợp tác giữa các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)