Điều chỉnh quy hoạch chung đến 2025
Theo kế hoạch, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM là Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành vào năm 2014 và chính thức đưa vào khai thác vào đầu năm 2015. Trong khi đó, chỉ 2 năm nữa, TP.HCM sẽ có tuyến xe điện trên mặt đất.Đã sẵn sàng cho 3/7 tuyến metro Ông Lê Khắc Huỳnh, Chánh văn phòng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu, với 3 gói thầu gồm: xây dựng đoạn tuyến đi ngầm; xây dựng đoạn tuyến đi trên cao và gói thầu phương tiện, thiết bị, depot. Theo chỉ đạo của UBND TP, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP đang tập trung phấn đấu khởi công trước đoạn đi trên cao của tuyến metro số 1 vào cuối năm nay. Nhưng cũng như tất cả các dự án xây dựng hạ tầng, việc giải tỏa đền bù luôn là công việc phức tạp và khó khăn. Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP, cho đến nay, trên toàn tuyến metro số 1 đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, Q.2, Thủ Đức và Q.9, chỉ mới có Q.Bình Thạnh là giải tỏa đền bù xong. Tổng cộng 162 hộ trên địa bàn quận này đã được chi trả tiền bồi thường và toàn bộ số hộ đã bàn giao mặt bằng. Theo ông Huỳnh cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các quận còn lại đang rất khẩn trương và theo kế hoạch đến cuối tháng 4 này các quận phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Bản đồ hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM - Đồ họa: Du Sơn - Mai Vọng |
Dự kiến, đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành tuyến metro số 1 sau khi đã tiến hành chạy thử trước đó 6 tháng và đến đầu năm 2015 sẽ chính thức khánh thành, đưa vào khai thác. Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km sẽ trở thành xương sống trong vận chuyển hành khách công cộng của TP.HCM, với khoảng 526.000 khách/ngày. Việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt này sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các đô thị dọc tuyến trên địa bàn các quận: 2, 9 và Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
Tuyến metro số 2 (ngã tư An Sương - Thủ Thiêm) được 3 ngân hàng hợp vốn tài trợ là Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á, tổng cộng khoảng 500 triệu euro. Ban quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết, các nhà tài trợ đã 2 lần đến TP.HCM thẩm định dự án và hiện nay đang chờ ký bản ghi nhớ để đến cuối năm nay dự kiến sẽ tiến hành ký hiệp định vay vốn đầu tư. Tuyến metro số 2 cũng đang được chuẩn bị rất khẩn trương để "gối đầu" tuyến số 1, nghĩa là năm 2016 sẽ đi vào khai thác, sau 1 năm so với tuyến số 1. Hiện nay, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP đang chuẩn bị khởi công hạng mục xây dựng tường rào và nhà bảo vệ của depot tuyến metro số 2 tại Tham Lương (Q.12).
Tuyến metro số 2 có điểm đầu tại Thủ Thiêm (Q.2); điểm cuối ở Bến xe Tây Ninh (An Sương), tổng chiều dài khoảng 19 km, được đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu có tổng chiều dài khoảng 12 km, khởi đầu từ ga trung tâm Bến Thành chạy ngầm theo đường Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh và đến depot Tham Lương (Q.12). Giai đoạn 2, từ Tham Lương tuyến sẽ kéo dài đến An Sương (Q.12) và từ Bến Thành sẽ đi ngầm qua sông Sài Gòn để đến Thủ Thiêm (Q.2).
Sắp khởi công tuyến xe điện mặt đất
Trong 3 tuyến xe điện chạy trên mặt đất (tramway) theo quy hoạch, hiện tuyến số 1 đã có nhà đầu tư. Hai năm trước, ngày 9.4.2008, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng đã ký bản ghi nhớ với đại diện Công ty TNHH xây dựng - thương mại Thanh Danh (VN) và Công ty Titanium Management (Malaysia) về việc đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây). Hiện nay, liên danh này có thêm 2 đơn vị thành viên nữa là Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ (PMC) và Tổng công ty xây dựng Hà Nội.
Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc PMC nói: "UBND TP đã yêu cầu chúng tôi khởi công tuyến xe điện mặt đất số 1 trong tháng 8 năm nay. Do vậy, công việc đang hết sức khẩn trương. Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.2010 sẽ tiến hành việc đàm phán hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), để đến tháng 6.2010 tiến hành ký kết hợp đồng BOT". Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Tổ công tác liên ngành thực hiện tuyến xe điện mặt đất số 1 vừa kiến nghị UBND TP giao cho UBND Q.6 và Q.Bình Tân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư tại các đoạn tuyến đi qua, hoàn thành trước tháng 8.2010.
Tuyến xe điện mặt đất số 1 dài 12,175 km, từ bến Bạch Đằng (Q.1), theo trục đại lộ Đông Tây đến Chợ Lớn và kết thúc ở Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân). Tổng mức đầu tư của dự án là 3.870 tỉ đồng. Tuyến xe điện mặt đất số 1 có 23 trạm dừng đón trả khách, quãng cách bình quân 520m/trạm dừng. Cùng với xây dựng hệ thống hạ tầng, tuyến xe điện này sẽ có các đoàn xe điện bánh hơi, sử dụng công nghệ của Tập đoàn Translohr (Pháp). Mỗi đoàn tàu có chiều dài 39m, rộng 2,2m, sức chở 238 người. Dự kiến tuyến xe điện mặt đất số 1 sẽ đưa vào khai thác sau 2 năm xây dựng.
Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cũng đang tìm đối tác đầu tư theo hình thức BOT cho 2 tuyến tramway còn lại, đó là tuyến số 2 (ngã tư quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh đến Q.2, dài 14 km) và tuyến số 3 (Công viên phần mềm Quang Trung - Nguyễn Oanh, dài 8,5 km). Hiện nay đã có Tổng công ty CP phát triển xây dựng và Công ty Đạt Phương đăng ký đầu tư tuyến số 2. Ban quản lý Đường sắt đô thị TP đang xem xét 2 tuyến còn lại này theo hướng xây dựng tuyến xe điện mặt đất giống như tuyến số 1, thay xe điện trên cao, để giảm chi phí đầu tư.
Điều chỉnh quy hoạch chung
Ngày 6.1.2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, theo quy hoạch điều chỉnh, đường sắt quốc gia đoạn Trảng Bom - Bình Triệu sẽ được cải tạo, nâng cấp, trong đó xây dựng tuyến tránh Biên Hòa về phía nam và xây dựng mới đoạn đường sắt trên cao (hoặc đi ngầm) Bình Triệu - Hòa Hưng - Tân Kiên; xây mới 2 tuyến đường sắt đi Biên Hòa và Lộc Ninh; tuyến đường sắt đôi điện khí hóa cao tốc TP.HCM - Nha Trang kết nối tại ga Thủ Thiêm dự kiến. Xây dựng mới tuyến đường sắt chuyên dụng từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước.
Về đường sắt đô thị, sẽ kết hợp đường sắt quốc gia cho chạy tàu ngoại ô và xây dựng 2 tuyến đường sắt nhẹ: Trảng Bàng - Tân Thới Hiệp và Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Cảng hành không quốc tế Long Thành. Xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn hoặc trung bình với tổng chiều dài 120 km; 3 tuyến đường sắt khác gồm tramway, đường sắt 1 ray tự động dẫn hướng đi trên cao (monorail) với tổng chiều dài 35 km.
Các nhà ga đường sắt đô thị, đặc biệt là các ga ngầm và ga chuyển tàu sẽ kết hợp thành các trung tâm thương mại - dịch vụ; phát triển các tuyến đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn đến các khu cảng Hiệp Phước, khu đô thị tây bắc Củ Chi và Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến.
Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch chung lần này là nhằm xây dựng TP.HCM trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học, công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.
Tuyến metro số 5 (cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc) dài 17 km là tuyến thứ 3 đã có cơ hội về nguồn vốn đầu tư. Vào ngày 15.12.2009, đại diện Chính phủ VN và Chính phủ Tây Ban Nha đã ký Bản ghi nhớ về khoản tài trợ 500 triệu euro để thực hiện một tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, dự kiến là tuyến metro số 5.
Ông Huỳnh cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ODA của Chính phủ Tây Ban Nha cho tuyến metro số 5. Tuyến này thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn; giai đoạn 2 từ ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc (Q.8). Hướng tuyến đi theo các trục đường: Điện Biên Phủ - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt - Phù Đổng Thiên Vương - Bến xe Cần Giuộc.
Các tuyến còn lại đang được lập dự án đầu tư để tìm kiếm đối tác thực hiện dự án, gồm 3A (Bến Thành - Tân Kiên, dài 16 km); 3B (Bến Thành - Hiệp Bình Phước, dài 12 km); tuyến số 4 (cầu Bến Cát, Q.Gò Vấp - đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, dài 24 km) và tuyến số 6 (ngã ba Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm, dài 6 km). Các tuyến này đang được lập dự án đầu tư và tìm kiếm đối tác để "chọn mặt gửi vàng". Hiện đang có nhiều đối tác nước ngoài mong muốn tham gia.
Theo Thanh Niên