Tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, các thửa đất có diện tích từ 45,5-54m2, giá sàn 22 triệu đồng/m2, đường vào qua ngõ 15 đường An Dương Vương và phố Phú Gia, mặt cắt ngang đường nhỏ nhất dưới 3,5m2. Các khu đất này đều được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với đường giao thông, điện sinh hoạt, chiếu sáng, cây xanh.
Vị trí các khu đất gần các công trình công cộng như chợ, siêu thị, trường học và trụ sở Ủy ban Nhân dân quận, công an... tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của các hộ gia đình. Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 9/12.
Hội đồng đấu giá huyện Gia Lâm cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các thửa đất nhỏ, lẻ, kẹt trên địa bàn các xã Đa Tốn và Dương Quang. Trong đó, có 30 thửa đất thuộc các thôn Thuận Tốn, Khoan tế, Ngọc Động (xã Đa Tốn) và 24 thửa đất thuộc thôn Yên Mỹ.
Còn tại huyện Phúc Thọ, phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tại khu đất trụ sở cũ Trạm thú y và Chi cục Thuế huyện (thuộc địa bàn xã Võng Xuyên) dự kiến tổ chức vào ngày 12/12. 14 lô đất được đưa giá đấu giá có mức giá khởi điểm từ 3-4 triệu đồng/m2.
Tuy nheo, theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tiến độ đấu giá vẫn còn quá chậm so với yêu cầu đặt ra từ đầu năm.
Theo kế hoạch, năm 2009, Hà Nội sẽ triển khai 83 dự án đấu giá quyền sử dụng đất, dự kiến thu về 3.419 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết quý 3/2009, mới có 11 quận, huyện tổ chức đấu giá 14 dự án với tổng số tiền thu được (ước theo giá trúng đấu giá) là 649,3 tỷ đồng, chỉ đạt 19% kế hoạch.
Lý giải về điều này, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, các dự án đấu giá chậm không chỉ do thị trường mà còn có nguyên nhân khách quan từ phía các cơ quan tổ chức đấu giá.
Cụ thể, do có sự khác nhau của các văn bản quy định về đấu giá đất trên địa bàn Hà Nội cũ và Hà Tây (trước đây) nên phần lớn các khu đất đã và đang tổ chức đấu giá ở khu vực Hà Tây chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng cũng như làm hạ tầng. Hơn nữa, một số khu đất đưa ra đấu giá không có người tham gia do vị trí không thuận lợi, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương như các khu đất xen kẹt ở Gia Lâm, Hoài Đức.
Ngoài ra, một số dự án ách tắc kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng tới tiến độ đấu giá như dự án 18 Hàng Khoai, khu tái định cư Trung Hưng (thị xã Sơn Tây), khu đấu giá xã Tiến Thịnh (Mê Linh)…
Như vậy, nhiều khả năng Hà Nội sẽ không hoàn thành kế hoạch đấu giá đất năm nay. Trong khi đó, các quận, huyện lại đang “kêu” về thủ tục đầu tư còn rườm rà và chậm.
Để tăng tốc đấu giá đất, thành phố và các sở, ngành không chỉ tháo gỡ về mặt thủ tục mà chủ đầu tư phải biết cách “tiếp thị” tốt hơn đối với những khu đất đấu giá để tránh tình trạng bán hồ sơ mời đấu giá nhưng không đủ số lượng người tham gia./.
Theo TTXVN/Vietnam+