Tiềm năng lớn
Nghệ An có 19 mỏ đá vôi lớn, trong đó tập trung tại 4 khu vực rất thuận lợi cho phát triển xi măng: Hoàng Mai, Anh Sơn, Đô Lương có trữ lượng 333 - 400 triệu tấn, mỏ Tân Kỳ 2,278 tỷ tấn. Các mỏ sét, phụ gia xi măng bazan đều có trữ lượng rất lớn, mỏ đá sét ở Tân Kỳ có trữ lượng 760 triệu tấn, nguồn phụ gia xi măng bazan phân bố trên diện rộng khoảng 200km2 thuộc 3 huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu với tổng trữ lượng dự báo khoảng 260 triệu tấn. Ngoài ra, Nghệ An còn có tiềm năng về nguồn cung cấp nhiên liệu, năng lượng và hạ tầng cơ sở cho ngành công nghiệp sản xuất xi măng. Mỏ than ở Khe Bố (Tương Dương), Đôn Phục (Con Cuông) và Kỳ Sơn trữ lượng khoảng 4 - 5 triệu tấn. Có các nhà máy thuỷ điện đang xây dựng: Bản Vẽ công suất 320MW, Bản Cốc 20MW, Khe Bố 98MW, Hủa Na 180MW, Nhạn Hạc 45MW.
Yếu tố thị trường tiêu thụ xi măng cũng là một trong những lợi thế để công nghiệp xi măng trở thành mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An. Đó chính là thị trường tiêu thụ xi măng nội tỉnh, với dân số khoảng 3,1 triệu người. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây tình hình kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh, nhiều dự án lớn đang được đồng loạt triển khai bởi vậy nhu cầu về xi măng dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, phía tây Nghệ An có 2 cửa khẩu thông sang Lào là Nậm Cắn và Thanh Thuỷ. Lào chỉ có 2 cơ sở xi măng lò đứng theo công nghệ Trung Quốc có khả năng sản xuất 150 ngàn tấn/năm chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu xây dựng trong nước. Vậy nên, thị trường Lào là khu vực có triển vọng đối với việc tiêu thụ xi măng Nghệ An trong tương lai. Với vị trí giao thông nằm ở giao lưu Bắc - Nam, Đông - Tây, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không đều phát triển, việc vận chuyển xi măng tiêu thụ ở các tỉnh khác cũng như xuất khẩu đều thuận lợi.
Công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường
Hiện nay công nghiệp sản xuất xi măng Nghệ An lại phát triển chưa tương xứng với những điều kiện vốn có. Ngành sản xuất xi măng chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, sản phẩm kém chất lượng hầu hết là sản xuất theo công nghệ lò đứng nên hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường. Các mỏ đá vôi có chất lượng tốt phần lớn chưa khai thác hoặc làm đá xây dựng, gây lãng phí tài nguyên. Báo động hơn, trong thời gian gần đây số lượng đăng ký khai thác mỏ đá xây dựng tăng một cách chóng mặt do hiện tượng đi trước, đón đầu các dự án giao thông trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh.
TS Hà Văn Lê, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: “Thời gian qua tốc độ tăng trưởng của ngành VLXD Nghệ An có tăng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Sản xuất xi măng vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, lò đứng là chính. Tài nguyên khoáng sản VLXD ở Nghệ An vẫn được sử dụng theo kiểu “xài sang”, cụ thể là dùng đá trắng vốn là nguyên liệu sản xuất xi măng để rải đường… vừa lãng phí vừa không hiệu quả”.
Để công nghiệp xi măng trở thành mũi nhọn, đầu tàu đối với sự phát triển kinh tế, Nghệ An cần phải có quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất xi măng đồng bộ, bền vững, với việc đổi mới tư duy sản xuất. “Phát triển công nghệ xi măng theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, từ đó tạo ra các VLXD khác thay thế dần các sản phẩm nung. Đây là xu thế tất yếu, bởi vậy cần có cách nhìn chiến lược lâu dài để định hướng cho sự phát triển của ngành xi măng Nghệ An”. TS Hà Văn Lê, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An khẳng định”.
Theo : Báo Xây dựng điện tử