Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động..., vì vậy, phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường này sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên thị trường bất động sản cũng bộc lộ những bất cập và hạn chế, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động đầu tư cũng như quản lý xây dựng theo quy hoạch. Ðòi hỏi cấp thiết hiện nay là phải có những nghiên cứu tìm hiểu, qua đó nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản, tạo điều kiện hình thành một thị trường bất động sản lành mạnh, hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Hơn nữa, do thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản nhà đất nói riêng là thị trường cung cấp một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, đáp ứng một trong những nhu cầu quan trọng nhất của con người là nhu cầu nhà ở, cho nên việc quản lý và định hướng của thị trường này với giá cả ổn định, hợp lý để nâng cao chất lượng sống của người dân là vấn đề quan trọng của nước ta.
Thực tế trong lĩnh vực phát triển nhà và đô thị những năm qua cho thấy việc hình thành các khu đô thị đồng bộ, hiện đại mới chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tại một số tỉnh, thành phố khác cũng có một vài khu đô thị nhưng quy mô nhỏ, không tạo thành chuỗi đô thị hiện đại. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển nhà ở tại các tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, không bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nguyên nhân chính là nhiều địa phương mới chỉ có các doanh nghiệp nhỏ chuyên về xây lắp hoặc sửa chữa, hoặc kinh doanh nhà với các dự án phát triển nhà quy mô nhỏ.
Mặt khác, từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, các tập đoàn tầm cỡ quốc tế, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang khẩn trương thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam - một thị trường non trẻ, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Diễn biến thị trường bất động sản thời gian qua cho thấy sẽ có những bước phát triển mới đột phá trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhà và đô thị, tạo sức ép đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, tính cạnh tranh trên thị trường bất động sản ngày càng mạnh mẽ. Diễn biến này càng đòi hỏi phải tăng cường sự quản lý và định hướng của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Xuất phát từ những yêu cầu thực tế khách quan của thị trường bất động sản, và thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi sớm có những doanh nghiệp mạnh dưới hình thức các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản để có đủ tiềm lực về tài chính, về tổ chức và kinh nghiệm quản lý điều hành, đóng vai trò chủ lực trong thị trường nhà ở, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nhà ở trong thời gian tới.
Tập đoàn phát triển nhà và đô thị được hình thành trên cơ sở lựa chọn một đơn vị hội tụ đủ các yêu cầu cần thiết về năng lực, vốn, kinh nghiệm, thương hiệu... làm nòng cốt đồng thời liên kết các pháp nhân doanh nghiệp cùng ngành của Bộ Xây dựng và các thành phần kinh tế khác, có gắn bó với nhau về công nghệ, thị trường,... nhằm khai thác thế mạnh của nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp để đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Ðây là Tập đoàn có tổ chức kinh tế quy mô lớn, đa sở hữu, trong đó Nhà nước giữ vai trò chi phối về vốn, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; kinh doanh đa ngành, trong đó đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị mới cùng những lĩnh vực liên quan là ngành kinh doanh mũi nhọn; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo để đủ sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế có hiệu quả;
Tập trung các nguồn lực và phát huy năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu của đơn vị nòng cốt và các đơn vị khác trong tập đoàn, tạo lập quỹ nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, có giá bán hợp lý, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển đô thị tại các địa phương, thực hiện vai trò chủ lực trong việc định hướng chiến lược phát triển nhà và đô thị, góp phần bình ổn, điều tiết thị trường bất động sản nước ta.
Là lực lượng nòng cốt để triển khai thực hiện Ðịnh hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76/2004/QÐ-TTg ngày 6-5-2004 và Ðịnh hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QÐ-TTg ngày 7-4-2009 và các Chương trình trọng điểm khác của Nhà nước;
Là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia, các mục tiêu kinh tế - xã hội liên quan lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị như: xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo; công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, người thu nhập thấp tại các đô thị; giúp các địa bàn kinh tế khó khăn phát triển lĩnh vực nhà ở và đô thị, tạo điều kiện đóng góp vào quá trình phát triển và đô thị hóa của địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh miền trung, khu vực Tây Nguyên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long,...;
Chủ động tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở; từng bước nghiên cứu, triển khai đầu tư các dự án nhà ở tại các nước trong khu vực và trên thế giới, trước mắt nghiên cứu đầu tư các dự án nhà ở tại Lào và Cam-pu-chia, khu vực châu Phi,...
Vấn đề đặt ra là, lựa chọn một đơn vị hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ để trở thành hạt nhân nòng cốt của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam, cũng như việc lựa chọn các pháp nhân doanh nghiệp cùng ngành của Bộ Xây dựng và các thành phần kinh tế khác, có gắn bó với nhau về công nghệ, thị trường... để cùng liên kết, nhằm khai thác thế mạnh của nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp để đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài là một việc hết sức quan trọng, mang ý nghĩa quyết định đến sự thành công của quá trình xây dựng, hình thành và hoạt động của tập đoàn.
Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị là một Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng với chức năng nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng các dự án phát triển khu đô thị mới và nhà ở. Trong 20 năm hoạt động vị thế của Tổng công ty đã ngày một củng cố và phát triển trên thị trường trong và ngoài nước với thương hiệu HUD. Với chức năng nhiệm vụ, năng lực, kinh nghiệm và các thành quả đạt được trong thời gian qua, Tổng công ty HUD đã hội tụ đủ các điều kiện để được lựa chọn là hạt nhân nòng cốt để hình thành Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam. Cùng với Tổng công ty HUD, trong giai đoạn trước mắt 2009-2010, Bộ Xây dựng cũng đã lựa chọn một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh có liên quan lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở như: Tổng công ty Xây dựng Bạch Ðằng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng, Tổng công ty Ðầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam để thành lập Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam.
Là doanh nghiệp nòng cốt, Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tiền thân là Công ty Phát triển nhà và đô thị (10-10-1989), năm 1997 Công ty HUD đã khởi công khu đô thị mới (ÐTM) Bắc Linh Ðàm (Hoàng Mai, Hà Nội), khởi xướng mô hình đô thị đồng bộ hiện đại, mô hình chung cư cao tầng kết hợp với dịch vụ chung cư. Kể từ khi thành lập Tổng công ty HUD, tháng 6-2000 đến nay, mô hình đô thị đồng bộ và chung cư cao tầng có chủ quản lý đã được nhân rộng tại nhiều dự án, nhiều địa phương và trở thành xu thế phát triển chủ yếu của đô thị hiện nay. Tổng công ty đã xây dựng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở, chủ yếu là chung cư cao tầng giải quyết chỗ ở cho 30 nghìn dân. Với bảy khu ÐTM tại Thủ đô Hà Nội, trong đó Khu đô thị Linh Ðàm được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu, góp phần thực hiện chương trình dãn dân của TP Hà Nội và khẳng định mô hình này là phù hợp và được nhân dân Thủ đô chấp nhận.
Ðáng chú ý là, mô hình Tổng công ty HUD hoạt động trong chín năm qua đã vượt qua hai giai đoạn thị trường bất động sản ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới trở nên trầm lắng. Trong tình hình đó, Tổng công ty HUD đã bám sát thị trường nhà ở, tập trung triển khai kế hoạch xây dựng nhà chung cư có giá trung bình để đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, khẳng định vai trò tham gia điều tiết thị trường nhà ở ngay tại Thủ đô Hà Nội, mà trước đó chưa có một mô hình nào đáp ứng được định hướng của Ðảng và Nhà nước về phát triển nhà ở theo dự án, đầu tư đồng bộ theo phương thức kinh doanh, theo quan điểm thị trường định hướng XHCN. Tổng công ty HUD cũng là đơn vị khởi xướng và thực hiện thành công mô hình phát triển nhà ở cao tầng có chủ quản lý đang được nhân rộng các địa phương trong cả nước.
Qua quá trình triển khai các dự án nhà ở gắn với các khu đô thị mới đồng bộ hiện đại trong thời gian qua, Tổng công ty HUD cũng đã tích lũy được những năng lực về tài chính đáng kể mang tính đột phá sau chín năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty nhà nước, với vốn chủ sở hữu tăng hơn 40 lần, bộ máy quản lý, lực lượng lao động, kinh nghiệm tổ chức thực hiện, dự án... Ðây là những nguồn lực to lớn để Tổng công ty ngày càng phát triển lành mạnh, vững chắc trong giai đoạn tới, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ được giao ở quy mô lớn hơn.
Nhận thức được vai trò nòng cốt trong việc xây dựng Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam, trong thời gian qua Tổng công ty HUD đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015 với các dự án tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia; các thành phố lớn trực thuộc Trung ương; các đô thị, các khu kinh tế tại các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng đồng thời tích cực tham gia các dự án phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
Dựa trên những kết quả về tình hình phát triển nhà ở trong những năm qua, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện định hướng của Ðảng và Nhà nước về lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở là kết hợp giữa kinh doanh và phục vụ, kết hợp hài hòa lợi ích doanh nghiệp và khách hàng, phát huy các nguồn lực hiện có, Tổng công ty HUD đã xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện, đề xuất các kiến nghị với cấp có thẩm quyền để thúc đẩy việc triển khai các dự án phát triển nhà ở theo đúng quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã đặt ra.
Chương trình nhà ở của Tổng công ty HUD đến năm 2015 đạt 8 triệu m2 sàn, với mục tiêu phát huy năng lực, kinh nghiệm và thương hiệu HUD tạo lập quỹ nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thị trường, có giá bán hợp lý, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển đô thị tại các địa phương mà Tổng công ty triển khai dự án, tham gia vào chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng, góp phần khẳng định vai trò chủ lực của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực thực hiện chiến lược phát triển nhà và đô thị, tham gia điều tiết thị trường nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Các dự án do Tổng công ty HUD đầu tư xây dựng là các khu ÐTM đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh, khép kín với toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, dịch vụ công cộng, thương mại và các công trình nhà ở theo tiêu chuẩn của các khu đô thị mới kiểu mẫu, tạo sự hấp dẫn và thu hút người dân đến định cư. Ða dạng hóa và phát triển cân đối các loại hình nhà ở có diện tích, mức độ tiện nghi khác nhau trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư, tập trung phát triển nhà ở chung cư cao tầng có chủ quản lý tại các đô thị lớn, hình thành phong cách và tạo lập nếp sống văn minh đô thị hiện đại. Trước mắt, Tổng công ty HUD tập trung đầu tư hoàn chỉnh các khu đô thị mới tại Hà Nội gồm: Tây Nam Linh Ðàm, Nam Linh Ðàm, Nam An Khánh và khu đô thị mới Phú Mỹ tại Quảng Ngãi.
Theo các chỉ tiêu nêu trong Ðịnh hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76/2004/QÐ-TTg ngày 6-5-2004, tổng diện tích sàn nhà ở do Tổng công ty HUD thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2015 dự kiến chiếm khoảng 15% tổng diện tích sàn nhà ở thương mại tại các đô thị Việt Nam.
Ðầu tư phát triển nhà ở và đô thị trong nền kinh tế thị trường là một lĩnh vực kinh tế còn mới mẻ ở nước ta. Việc hình thành một tổ chức kinh tế mạnh hoạt động dưới hình thức Tập đoàn kinh tế Nhà nước với nòng cốt là Tổng công ty HUD với sự tham gia của các doanh nghiệp cùng ngành thuộc các thành phần kinh tế là một yêu cầu khách quan. Mặc dù là mô hình mới và đang được triển khai thực hiện thí điểm, nhưng với kinh nghiệm phát triển của các đơn vị, tin rằng Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam sẽ phát huy và đáp ứng sự nghiệp phát triển đô thị và nhà ở với vai trò chủ lực và từng bước tham gia điều tiết thị trường nhà ở theo phương châm lấy phục vụ để phát triển, lấy phục vụ để kinh doanh. Với quan điểm đó Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt để phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp Nhà nước, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước tham gia điều tiết thị trường bất động sản, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia.
NGUYỄN HIỆP
Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị