Mô hình hợp tác xã nhà ở Thụy Điển ở khu tái định cư 17 T10

Thứ năm, 19/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nói đến chất lượng nhà ở của các khu tái định cư (TĐC), người dân trong diện giải tỏa không khỏi lo ngại. Song sự thành công của khu TĐC 17 T10 ở Trung Hòa - Nhân Chính sau hơn một năm (1-2008) áp dụng mô hình hợp tác xã (HTX) nhà ở Thụy Điển đã cho thấy mô hình này rất phù hợp với thực tế hiện nay...

HTX nhà ở Thụy Điển của chung cư 17T10 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là mô hình đầu tiên tại Việt Nam rất thành công. Ảnh: Nguyệt Ánh

Người dân được sử dụng dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất

Tòa nhà 17T10 gồm 192 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu trong diện giải tỏa để làm cầu vượt Ngã Tư Sở chuyển về ở năm 2005. Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng ban quản trị (BQT) lâm thời nhà 17T10 cho biết, chung cư này trước nằm trong dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đầu tư xây dựng để bán. Khi UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án có quyết định Vinaconex cắt 20% quỹ nhà ở trong dự án làm nhà TĐC cho các hộ dân trong diện GPMB ở Ngã Tư Sở, nhà 17T10 mới  trong diện TĐC. Khi người dân tiếp nhận khu nhà này, chất lượng các hạng mục trong công trình xuống cấp trầm trọng. Tường bong tróc, thang máy hỏng, hệ thống chiếu sáng công cộng nơi có nơi không, vệ sinh môi trường bẩn, nước máy sinh hoạt ô nhiễm… Việc kinh doanh khai thác tầng 1 của chung cư, chủ đầu tư hưởng, mà không chi tiền để bảo trì, sửa chữa khi có sự cố hỏng hóc như quy định 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý nhà ở chung cư của Bộ Xây dựng.

Và thay đổi đã được khẳng định từ ngày BQT lâm thời thành lập mô hình HTX  nhà ở Thụy Điển với các xã viên là những hộ dân sống trong chung cư. Ngành nghề kinh doanh của HTX nhà ở Thụy Điển chủ yếu là dịch vụ cho người dân chung cư, như  bảo vệ trông giữ ô tô, xe máy, ăn uống giải khát, bán hàng công nghệ thực phẩm, tạp hóa, dọn vệ sinh môi trường, quản lý bảo trì chung cư, dịch vụ bưu chính - viễn thông… Lợi nhuận thu được từ khách hàng (chủ yếu là người dân sống ở chung cư) sẽ quay lại phục vụ lợi ích cho khách hàng. Đơn cử, mặt bằng để gửi xe ô tô, xe máy của chung cư thu được khoảng 40 triệu đồng/tháng, HTX dùng số tiền đó để trả lương cho nhân viên bảo vệ là những người chưa có việc làm ở chung cư, số còn dư dùng để chi trả cho các khoản dịch vụ công cộng khác như phí vệ sinh môi trường, điện thoại… Vì vậy, ở chung cư này, các hộ dân chỉ phải nộp duy nhất một khoản phí dịch vụ chung là 30.000 đồng/tháng. HTX cũng cử người đi học phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ thang máy, thành lập tổ bảo vệ dân phòng lắp đặt hệ thống camera giám sát quản lý trật tự an ninh, xây dựng trạm bơm bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho tòa nhà; thành lập bộ phận căng tin-dịch vụ, dịch vụ điện thoại công cộng, giặt là quần áo, thu ngân truyền hình, sửa chữa điện nước, tổ vận tải; ký hợp đồng với một công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội bảo đảm các khâu vệ sinh từ A tới Z; hệ thống 3 thang máy hoạt động 24/24 giờ hàng ngày… "Chúng tôi đang đấu tranh để giành lại quyền khai thác kinh doanh tầng 1 của chung cư,  mà Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đang hưởng, nhưng không phục vụ cho lợi ích của chung cư. Tiền cho thuê văn phòng thu được của tầng 1 sẽ góp phần giúp người dân được sử dụng các dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất. Chung cư cũng sẽ được bảo trì, sửa chữa và vận hành hiệu quả" - ông Sơn khẳng định.

Cần tính pháp lý để phát triển

Năm 2008, HTX đã giao dịch tìm việc làm thêm ở các tòa nhà chung cư khác trong thành phố để chuẩn bị các phương án hoạt động mở rộng cho HTX. Đến nay, HTX đã giải quyết việc làm cho gần 40 lao động ở khu TĐC, hơn 10 lao động hợp đồng, với thu nhập ổn định bình quân 1,2 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu của năm 2008 đạt gần 1 tỷ đồng, trong đó 500 triệu đồng thu từ các dịch vụ, còn lại là thu từ dịch vụ ăn uống trong tòa nhà; nộp ngân sách nhà nước gần 16 triệu, nộp vào ngân quỹ chung cư hơn 50 triệu.

Tuy nhiên, hoạt động của HTX hiện nay chưa đủ tính pháp lý để phát triển. Theo Luật Nhà ở, chung cư phải có BQT, để ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành chung cư, hủy bỏ hợp đồng nếu doanh nghiệp đó không thực hiện đúng cam kết. Trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị chung cư để bầu BQT. 192 hộ dân sống ở nhà 17T10 đã gần 3 năm, nhưng vẫn chưa có BQT chính thức. Người dân nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư đến họp để bầu BQT, nhưng sau nhiều lần hứa hẹn (lần gần đây nhất vào 13-12-2008), song việc bầu BQT vẫn trì hoãn? Việc thuê doanh nghiệp quản lý vận hành nhà 17T10 vẫn do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Vì vậy, đề nghị ngành chức năng cần sớm kiểm tra và tổ chức bầu BQT ở nhà chung cư nói trên để tiện quản lý và sinh hoạt của người dân, đồng thời giúp cho HTX nhà ở Thụy Điển phát triển.

 
 
Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)