Đô thị Sài Gòn - TPHCM, diện mạo đổi thay sau gần 50 năm

Thứ năm, 02/05/2024 16:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

49 năm sau ngày giải phóng, TPHCM luôn giữ vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước. Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023 công bố mới đây, TPHCM là địa phương được nhiều người dân các tỉnh thành khác muốn di cư đến nhiều nhất.

TPHCM hiện là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Nếu trước năm 1975, sự gia tăng dân số của thành phố Sài Gòn chủ yếu do tác động của chiến tranh. Sau giải phóng, sự gia tăng dân số mạnh mẽ chủ yếu bởi TPHCM có sự phát triển kinh tế nhanh chóng, trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tổng điều tra dân số từ tháng 5/1975 tới năm 1979 cho thấy, trung bình mỗi năm có 38.000 người từ các tỉnh, thành khác di chuyển đến. Trong thời kỳ 1979-1989, con số này là 30.000. Còn thời kỳ 1994-1999, trung bình gần 90.000 người mỗi năm.

Theo thống kê: Tháng 4/1975, dân số thành phố là khoảng 3 triệu người. Đến 4/1999, lên đến 5 triệu. Tháng 12/2002 là gần 5,4 triệu. Cuối năm 2004 là 6,11 triệu. Đến 6/2023 đã gần 8,9 triệu. Nếu tính cả những người không đăng ký hộ khẩu thì dân số thực tế lên đến khoảng gần 14 triệu.

Niên giám thống kê 2022 cho thấy, dân số sống tại thành thị đạt gần 7,3 triệu, chiếm khoảng 77,7%. Tại vùng nông thôn là gần 2,1 triệu, chiếm khoảng 22,3% dân số. Sự phân bố có phần không đồng đều. Các quận nội thành (Quận 4, Quận 10 và Quận 11) có mật độ dân số tới hơn 40.000 người/km2. Còn huyện Cần Giờ chỉ 102 người/km2.

Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về vai trò của những người "dân nhập cư" đến TPHCM. Có ý kiến cho rằng, họ là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đô thị, tạo thêm gánh nặng cho Thành phố. Nhưng nhiều ý kiến khác đánh giá cao vai trò tích cực của họ trong sự phát triển của Thành phố.

Lịch sử Sài Gòn - Gia Định - TPHCM là lịch sử thành phố của di dân với truyền thống tụ hội và dung nạp người dân tứ xứ. Đó cũng là thế mạnh của thành phố này, nhờ vậy mà thu hút và đón nhận được những tinh hoa từ mọi miền đất nước.

Kết quả điều tra di dân tự do của Viện Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê của Thành phố cho thấy tỉ lệ dân nhập cư có trình độ đại học và cao đẳng cao hơn so với cư dân Thành phố. Với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước và đang dần trở thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính…, TPHCM sẽ tiếp tục thu hút mạnh nguồn lực chất xám cả ở trong và ngoài nước.

 

Sau 49 năm, diện mạo đô thị Sài Gòn - TPHCM đã có nhiều thay đổi - Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Tín hiệu tích cực nhưng cũng là thách thức cho quản lí đô thị

Về diện tích, TPHCM hiện xếp thứ 2 ở Việt Nam, sau Hà Nội (3.359,82 km²). Nhưng về dân số lại dẫn đầu với gần 9 triệu người (số liệu năm 2023). TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn nhất cả nước. Nếu môi trường kinh doanh và đầu tư tốt sẽ hút lực lượng lao động đổ về, thuận lợi để phát triển nhiều ngành nghề, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư và mang đến nhiều cơ hội việc làm. Nhưng nếu trình độ quản lí đô thị và cơ sở vật chất sẵn có không đáp ứng với yêu cầu; Không biết phát huy tiềm năng… sẽ dẫn đến quá tải về phát triển xã hội, giảm chất lượng sống của người dân. Kéo theo đó là những hệ lụy về kinh tế.

Theo đánh giá, tình trạng quá tải dân số đang tạo áp lực lớn lên Thành phố. Vì cứ 5 năm, dân số tăng thêm trung bình 1 triệu người. Với tổng diện tích là 2.095 km2, mật độ dân số thành phố ước tính là 4.375 người/km², cao nhất cả nước hiện nay.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố là 76,2 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình chung của cả nước là 73,6 tuổi. Mặc dù tuổi thọ của người dân tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe chỉ đạt 64 tuổi.

TPHCM cũng đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số và là một trong các tỉnh, thành có mức sinh thấp của cả nước. Năm 2022 Thành phố có tổng tỷ suất sinh là 1,39 con/phụ nữ.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại TPHCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người.

Di dân tự do vào TPHCM là tất yếu và sẽ còn tiếp tục gia tăng. Vấn đề là phải đón bắt được xu hướng, có cơ chế phù hợp để phát huy tiềm năng. Kiểm soát và điều tiết được bằng những giải pháp vĩ mô và phù hợp. Cùng với việc chăm lo phúc lợi là giúp người nhâp cư mau chóng hoà nhập, có được việc làm và đời sống ổn định.

Diện mạo đô thị TPHCM đang từng bước đổi thay

Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TPHCM đã xác định: "TPHCM là cửa ngõ giao tiếp với các khu vực trên thế giới, đầu tàu, trung tâm có năng lực cạnh tranh với các khu vực trên thế giới".

Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2025 đã khẳng định vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Thành phố ở trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt, hơn 10 năm qua, nhiều khu đô thị (KĐT) thành phần có quy mô lớn đã và đang thành hình. Các dự án tái định cư, các khu dân cư mới có quy mô tương đối lớn và đồng bộ được triển khai tại các quận mới, quận ven đô với quy mô lớn, đã và đang giúp dãn một lượng lớn dân cư các khu trung tâm như: An Lạc 110ha, Bình Hưng 100ha (Bình Chánh); An Phú, An Khánh 143ha (Quận 2). KĐT Nam Thành phố (quy mô 2.975ha), trong đó Phú Mỹ Hưng được xem là KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam. Tổng quy mô 433ha, sau 30 năm phát triển, đã là nơi an cư của gần 100.000 người.

Ngoài các KĐT hiện hữu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TPHCM ưu tiên đầu tư xây dựng các KĐT mới: Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) quy mô 737ha; KĐT cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) 3.900ha; KĐT Tây - Bắc Thành phố quy mô 6.000ha…

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)