Thành phố Hồ Chí Minh: Quy hoạch các khu liên hợp xử lý chất thải rắn: Điều kiện thu hút các nhà đầu tư

Thứ ba, 17/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có ý tưởng quy hoạch các khu liên hợp KLH xử lý chất thải rắn đầu tiên trong cả nước, đây là tiền đề hết sức thuận lợi để thành phố có thể phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với phát triển bền vững. Những ý tưởng đó đã trở thành hiện thực.
Với việc quy hoạch KLH đầu tiên, KLH xử lý chất thải rắn Đa Phước huyện Bình Chánh được phê duyệt từ năm 1999, những thách thức về việc đối mặt với ô nhiễm chất thải rắn trong một đô thị mà dân số ngày càng tăng sẽ dần dần giảm một khi các KLH xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2344.230' />
Việc xây dựng các KLH xử lý chất thải rắn nằm trong chiến lược bảo vệ môi trường của thành phố đến năm 2010, hướng đến năm 2020 là một phần trong quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn thành phố. Hiện nay, thành phố đang quy hoạch 3 KLH xử lý chất thải rắn với diện tích vào khoảng 2.838 ha.
Trong đó, khu công nghiệp xử lý chất thải rắn Thủ Thừa - Long An là 1.760 ha do tỉnh Long An giúp thành phố, KLH xử lý chất thải rắn Tây Bắc TPHCM xã Phước Hiệp - huyện Củ Chi 822 ha và KLH xử lý chất thải rắn Đa Phước 256 ha xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - sau khi điều chỉnh mở rộng sẽ lên đến khoảng 400 ha.
Các KLH khi hình thành và đi vào hoạt động sẽ trở thành công trường xử lý rác, mà trước hết là có công nghệ tiên tiến như hệ thống phân loại, tuyển chọn rác để tái chế, tái sinh, đốt rác thu hồi khí gas trong chôn lấp rác, phân hủy vi sinh trong xử lý rác để sản xuất điện, chế biến phân compost..., chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, bố trí cây xanh, mặt nước, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống điện, viễn thông, một cách đồng bộ, hoàn chỉnh để nhà đầu tư có điều kiện triển khai dự án có hiệu quả.
Mới đây, UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 KLH xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố. Đây là động thái thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc triển khai hoạt động KLH chất thải rắn nhằm khống chế ô nhiễm môi trường.
Đến nay, một số nhà đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư, được giao đất tại KLH xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi như Công ty VietStar Hoa Kỳ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn làm phân compost với công suất 600 tấn/ngày giai đoạn 1, 600 tấn/ngày giai đoạn 2; Công ty Liên doanh Saigon Earthcare xử lý rác làm phân hữu cơ vi sinh, đã được cấp giấy phép đầu tư và được giao đất trong KLH, công suất 500 tấn/ngày giai đoạn 1, 2.000 tấn/ngày giai đoạn 2; Công ty YUNG I đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác y tế, chất thải rắn nguy hại, công suất 9 - 10 tấn/ngày đã được cấp giấy phép đầu tư đang chờ giao đất.
Đối với KLH xử lý chất thải rắn Đa Phước, Công ty California Waste Solutions, Inc. Hoa Kỳ đã được cấp giấy phép đang chuẩn bị đầu tư dự án xử lý chất thải rắn bằng việc phân loại, tái chế, chôn lấp và xử lý rác làm phân compost, công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày. Khu công nghiệp xử lý chất thải rắn Thủ Thừa - Long An đang tiến hành giải tỏa đền bù và trồng cây xanh.
Hiện có thêm nhiều nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn, một số đang lập dự án, một số đang trình dự án cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình cấp trên quyết định chọn lựa tùy theo quy hoạch, nhu cầu xử lý và khả năng tài chính của thành phố; như dự án xử lý chất thải rắn của Công ty Waste to Energy Pte. Ltd. Singapore; dự án đốt rác sản xuất điện của Công ty Fluid Tech Australia; dự án xử lý rác bằng nhiệt phân liên doanh giữa Công ty Đại Lâm và Entropic Energy Co. - Hoa Kỳ; dự án đốt rác phát điện Công ty Keppel - Singapore; dự án xử lý rác và sản xuất phân hữu cơ vi sinh Công ty Nam Thành; dự án xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ TBS do Công ty Môi trường Đô thị thực hiện; dự án đốt rác phát điện - Công ty Naanovo Canada...
Chủ trương xã hội hóa trong việc xử lý chất thải rắn của TPHCM là hết sức đúng đắn và kịp thời, vừa phát huy nội lực, tranh thủ vốn huy động từ đầu tư nước ngoài. Sở Tài nguyên và Môi trường một mặt phối hợp với các ngành, mặt khác đang tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm giúp các dự án đã được cấp phép có điều kiện triển khai đi vào hoạt động; đối với các dự án chưa được cấp phép, sở tạo điều kiện để các nhà đầu tư được tiếp cận, tìm hiểu thông tin cần thiết trong quá trình xúc tiến dự án.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo cho chủ đầu tư các KLH tháo gỡ khó khăn, khẩn trương hoàn thành hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.
Tiếp tục khắc phục tình trạng các nhà đầu tư có giấy phép nhưng chậm giao đất để xây dựng và triển khai dự án, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã có các giải pháp xử lý kịp thời nhằm giúp tiến độ triển khai hoạt động các KLH theo đúng kế hoạch đề ra.

Nguồn tin: Báo SGGP, ngày 14/01/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)