Quy hoạch cải tạo, xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Thanh Hoá

Thứ hai, 16/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Những lợi thế và thách thức tác động đến quá trình phát triển Những lợi thế a Vị trí địa lý kinh tế và chính trị - Là cửa ngõ nối liền các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh Tây Bắc với Bắc Trung Bộ và Trung Bộ của Việt Nam. Một trong những cửa ngõ thông ra biển của các tỉnh thuộc vùng Thượng Lào.
- Là đô thị loại II, trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hoá. Là đô thị giữ vai trò quan trọng nhất trong định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Thanh Hoá nói riêng, của vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của đô thị này là động lực kéo theo sự phát triển chung toàn bộ hệ thống đô thị trong tỉnh và của vùng.
- Có mối quan hệ và liên kết nhiều mặt với Sầm Sơn - Đô thị du lịch biển. Là một trong những khu vực trọng điểm về phát triển du lịch biển miền Bắc của Việt Nam.
- Là hậu phương có ý nghĩa quan trọng tác động trực tiếp đến việc xây dựng và phát triển khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn trong tương lai.
b Lợi thế về giao thông
Nằm trên các trục giao thông đường bộ quan trọng Quốc lộ 1A, QL 10; QL 47 và Cao tốc Bắc Nam dự kiến xây dựng; Đường sắt quốc gia - tương lai đường sắt cao tốc Bắc Nam.
c Có quỹ đất để phát triển đô thị
d Có nguồn nước dồi dào và phân bố đều cả về nước mặt và nước ngầm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt thuộc lưu vực sông mã, sông Chu, hệ thống Thuỷ nông Bái Thượng, các hồ chức nước - Cửa Đạt....
e Cấp điện và năng lượng
Bao gồm các lưới điện cao áp 110KV; 35KV... cùng các trạm biến áp công suất lớn. Mạng lưới cung cấp điện ngày càng tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo cung cấp ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.
f Tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng đô thị từng bước cải thiện
Những thách thức
a Kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa vững chắc, thị trường chưa phát triển, tính cạnh tranh thấp, khả năng thu hút đầu tư thấp.
b Tốc độ đo thị hoá nhanh, tỷ lệ dân đô thị cao nhưng chất lượng cuộc sống đô thị chưa cao. Bộ mặt đô thị chưa có tính đột phá trong xây dựng và phát triển.
c Hạ tầng kỹ thuật xây dựng không theo kịp với sự phát triển - mở rộng đô thị và hiện đang quá tải, môi trường ô nhiễm.
d Sự phát triển hay tốc độ phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ của các tỉnh hay đô thị xung quanh Ninh Bình, Nam Định, Vinh... thách thức bên ngoài tác động tới sự phát triển của Thanh Hoá nói chung và thành phố Thanh Hoá nói riêng.
2. Thực trạng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị
- Những năm gần đây bộ mặt thành phố đã nhiều thay đổi, nhiều tuyến, trục phố được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Giao thông đối ngoại đường bộ, đường sắt, đường thuỷ đã tạo được mối liên hệ thuận tiện giữa thành phó với các khu vực khác trong tỉnh, vùng và cả nước. Hệ thống đường đô thị đã được ít nhiều cải tạo về mặt đường, hè phố. Bến, bãi đỗ xe đã được xây dựng. Tuy nhiên:
+ Trừ các quốc lộ qua đô thị có chiều rộng phần đường xe chạy từ 14m trở lên thì khoảng 72/87 con đường nội thị có chiều rộng phần đường xe chạy nhỏ hơn 7m 83%, nhiều phố không có hè. 36/36 con đường tại các xã có chiều rộng <5m hầu hết là 3,5m. Qua số liệu này cho thấy hầu hết đường nội thị của thành phố là nhỏ, hẹp, hè phố không rõ ràng.
+ Hệ thống bến, bãi đỗ xe đã có nhưng tỷ lệ đất giành cho loại hình này còn thấp chỉ chiếm 0,12% đất xây dựng đô thị 2,9ha/2452ha - Số liệu năm 2003.
+ Là đô thị loại II nhưng chưa tổ chức được một hệ thống giao thông công cộng cho thành phố mặc dù chỉ cần từ 1-2 tuyến cũng có thể tạo nên hình ảnh của GTCC.
- Hoàn thành dự án cấp nước sạch do ADB tài trợ, nâng công suất cấp nước lên 30.000m3/ngày đêm, đảm nhận cấp nước cho 80% dân số đô thị đạt tiêu chuẩn 120m3/người/ngày đêm. Không được sử dụng nước máy, nhiều hộ gia đình dùng giếng đào, giếng khoan - các giếng thường cạn vào mùa khô hạn.
- Hệ thống thoát nước chung mà theo đó nước thải chưa qua xử lý và nước mưa chảy thẳng ra các cống, rãnh và kênh đổ vào các sông chính. Hệ thống thoát nước mới chỉ phục vụ khoảng 30-50% diện tích nội thị. 22 đường phố nội thị chưa có mương - cống thoát nước. Chưa có trạm xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước này đang xuống cấp, quá tải do quá trình đô thị hoá nhanh. Trong mùa mưa, ảnh hưởng kết hợp của nước sông dâng cao và thuỷ triều lớn tại sông Mã, nhiều khu vực trong thành phố bị ngập với độ sâu trung bình 0,3-0,4m trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ ví dụ tại phường Ngọc Trạo, Đông Thọ, Tân Sơn, Đông Vệ... cũng vì thoát nước chung nên việc ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi đặc biệt khi bị ngập úng.
- Thu gom, quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường: Thu gom được 70% rác thải. Khu xử lý rác thải hoạt động từ 9/2002 diện tích đã hết. Trên 76% hộ gia đình có nhà vệ sinh với bể tự hoại - số còn lại sử dụng xí thùng hoặc không có nhà vệ sinh. Hệ thống tự hoại không hoạt động dẫn đến việc tồn đọng và chảy vào hệ thống thoát nước gây ô nhiễm môi trường.
- Cấp điện khá tốt. Chỉ có 75% đường phố nội thị được chiếu sáng ban đêm.
Qua đây thấy rằng hạ tầng kỹ thuật đo thị còn nhiều yếu kém, xuống cấp chưa xứng tầm của đô thị loại II. Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị với đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhìn nhận một cách khách quan về những yếu kém để có hướng đầu tư xây dựng là việc làm cần thiết nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân toàn đô thị.
3. Mô hình phát triển không gian với xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Mô hình phát triển không gian có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển hạ tầng và ngược lại.
Thành phố Thanh Hoá phát triển theo hướng đa cực. Một hướng sẽ phát triển và mở rộng để gắn kết với Sầm Sơn - đô thị du lịch biển tạo hướng mở phát triển ra biển. Sông mã với những tiềm năng chưa được khai thác sẽ là một lợi thế để phát triển thành phố hai bên sông. Các cực phát triển khác là các đô thị vệ tinh trong vòng bán kính từ 10-15km bao gồm TX Sầm Sơn, các thị trấn Quảng Xương, Rừng Thông, Nhồi, Tào Xuyên, Bút Sơn....
Nếu lựa chọn hướng phát triển này thì việc tạo ra một không gian để phát triển hạ tầng kỹ thuật diện rộng tổ chức đường cao tốc, đường sắt, giao thông công cộng, nút giao thông, bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang và bảo vệ nguồn nước... sẽ dễ dàng hơn, thông thoáng hơn không bị gò bó và chật hẹp bởi giới hạn ranh giới đất hiện nay.
4. Quy hoạch cải tạo và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị - một số vấn đề cần được bàn luận
a Giao thông
- Sự kết nối về giao thông quốc gia:
+ Ngoài việc nâng cấp cải tạo tuyến QL 1A đi qua TP Thanh Hoá, trong tương lai gần sẽ xây dựng tiếp đường cao tốc Bắc Nam từ Ninh Bình - Thanh Hoá - Vinh. Vì vậy đoạn qua Thanh Hoá ở phía Đông cần kiến nghị làm đường cao tốc trên cao tránh giao cắt bằng với QL47 hay bất cứ đường nào khác và nối với QL 1A ở phía Nam bằng một nút giao thông khác mức.
+ Mở rộng QL47 cả phía Đông và phía Tây kết nối với đường Hồ Chí Minh - các huyện miền Tây với thành phố tỉnh lỵ.
+ Mở rộng nâng cấp QL45, cùng với QL217, đường Hồ Chí Minh tạo mối quan hệ nhanh chóng, thuận tiện giữa khu vực cửa khẩu Na Mèo - Lào với Thanh Hoá và Sầm Sơn, phục vụ giao lưu kinh tế đặc biệt liên kết du lịch núi vùng Tây Bắc với du lịch biển.
+ Xây dựng hiện đại Ga Thanh Hoá nhà ga cùng quảng trường và các cơ sở dịch vụ. Đây là một trong những ga quan trọng trong tuyến hành trình cao tốc Bắc Nam Hà Nôi - Thanh Hoá - Vinh....
- Giao thông đô thị: Tiếp tục cải tạo, mở rộng và nâng cấp đường nội thị với nguyên tắc đủ rộng, có hè được xây dựng, có dải cây xanh, có hệ thống thoát nước và tổ chức chiếu sáng đồng bộ. Xây dựng thâm các bãi đỗ xe, hoàn thiện nút giao thông...
- Trên cơ sở cấu trúc không gian đô thị tổ chức các tuyến giao thông công cộng liên kết các trung tâm đa cực là các đô thị vệ tinh và các khu vực du lịch khác trong đó trước tiên tổ chức tuyến giao thông công cộng giữa trung tâm TP Thanh Hoá với Sầm Sơn. Lựa chọn loại phương tiện vận chuyển có thể là xe buýt và xe điện chạy trên mặt đất ví dụ một tuyến đôi xe điện chạy trên mặt đất với Sầm Sơn theo QL47 mở rộng.
b Chuẩn bị kỹ thuật và thoát nước
- Làm rõ hơn chế độ thuỷ văn của Sông Mã, khả năng gây ngập lụt, các khu vực xả nước thải của thành phố vào sông, môi trường nước của sông. Vai trò của tuyến đê làm cơ sở cho việc xây dựng thành phố hai bên sông.
- Quản lý chặt chẽ cao độ nền xây dựng trong đô thị.
- Triển khai hợp phần thoát nước, nước thải và vệ sinh công cộng trong dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung do ADB tài trợ - Một vấn đề quan trọng cần phải có sự kiểm tra, khớp nối giữa dự án này với các dự án có liên quan đang và sẽ triển khai cả về quy hoạch, quản lý, đầu tư và xây dựng trên địa bàn tránh chồng chéo và những bất hợp lý có thể xảy ra.
c Cấp nước
Ngoài việc xác định nhu cầu theo yêu cầu phát triển đô thị cần làm rõ khả năng của nguồn cũng như có biện pháp bảo vệ lưu vực và bảo vệ nguồn nước tránh ô nhiễm nguồn.
d Quản lý chất thải rắn
Cần làm rõ hơn quy hoạch quản lý chất thải rắn trong đó xác định các giải pháp thu gom, vận chuyển, lựa chọn khu vực xử lý cũng như các công nghệ xử lý thích hợp.
e Cấp điện và chiếu sáng đô thị
Cần làm rõ hơn về quy hoạch chiếu sáng đô thị bởi vì chiếu sáng làm nâng cao chất lượng cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt đô thị, kéo dài nhịp sống đô thị vào ban đêm.
5. Quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị
Hạ tầng kỹ thuật đô thị là những công trình tồn tại lâu dài, chiếm kinh phí đầu tư lớn và khó sửa đổi. Trong thời gian qua, TP Thanh Hoá có xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến phố quan trọng nhưng việc bố trí mạng lưới đường dây, đường ống chưa được quan tâm triệt để vẫn còn có đường dây đi trên cao; bố trí riêng rẽ từng công trình dưới phần đường xe chạy hay trên hè phố mà đáng lý ra những công trình này cần được đặt trong các hào hoặc hầm kỹ thuật dù tốn kém kinh phí ban đầu nhưng quản lý rất thuận lợi, tránh việc đào lên lấp xuống hoặc đào lên để sửa chữa công trình. Vì vậy, cần phải có một quy định rất cụ thể trong quy hoạch điều chỉnh lần này.

TS. Nguyễn Hồng Tiến
Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng Kỹ thuật ĐT-BXD

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)