Hà Nội đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch

Thứ ba, 17/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng tăng, nếu như năm 2000 có 2,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 500.000 lượt khách quốc tế đến Hà Nội, thì đến năm 2004, lượng khách du lịch đến Hà Nội đã gần 4,5 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu khách du lịch quốc tế.

Trong năm 2005, ngành du lịch Hà Nội đã đón 5 triệu khách du lịch, trong đó có 1 triệu khách du lịch quốc tế đến thăm quan Hà Nội. Lượng khách du lịch vào Hà Nội trong năm 2005 đã tạo cho Hà Nội tăng doanh thu du lịch trên 20% so với năm 2004.
Dự kiến từ nay đến 2010 lượng khách vào Hà Nội tăng khoảng 15 - 18%/năm và đến năm 2010 lượng khách quốc tế sẽ đạt 1,8 triệu lượt và khách nội địa đạt 5,7 triệu lượt người và doanh thu từ du lịch của Hà Nội sẽ đạt 16.000 tỷ đồng. Ðể đạt được doanh số như vậy, ngành du lịch Hà Nội cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 428 cơ sở lưu trú du lịch với 12500 phòng, trong đó có 176 khách sạn đã đựoc xếp hạng với 8701 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với số lượng buồng phòng như vậy, các khách sạn của Hà Nội có khả năng đón từ 1-1,2 triệu khách mỗi năm. Do lượng khách du lịch tăng mạnh, các khách sạn 4-5 sao có công suất sử dụng phòng cao, chỉ tính riêng quí I/2005 đã đạt 80-85% công suất. Ðiều này đã dẫn đến việc thiếu buồng phòng vào những dịp cao điểm.
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, phó giám đốc sở Du lịch Hà Nội: Dự kiến đến năm 2010, Hà Nội sẽ đón khoảng 5,4 triệu khách du lịch nội địa và 1,6 triệu khách quốc tế. Ðể đáp ứng phòng khách sạn cho lượng khách du lịch này, Hà Nội cần 22.637 phòng, so với hiện nay thì Hà Nội còn thiếu khoảng 10.137 phòng. Như vậy, bình quân mỗi năm, Hà Nội sẽ thiếu khoảng 2.000 phòng.
Bà Lan cũng cho biết thêm: Mặc dù số lượng khách quốc tế tăng mạnh, thế nhưng số lượng cơ sở lưu trú, buồng phòng lại hầu như không tăng hoặc tăng rất ít. Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, nhưng hầu hết đều nhỏ bé dưới 20-30 phòng, nên không đáp ứng được yêu cầu chất lượng du lịch.
Hầu hết các dự án xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn chỉ được cấp phép từ năm 1998 trở về trước, từ năm 2002 đến nay, không có dự án được cấp mới. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp nhưng gặp khó khăn về địa điểm xây dựng. Chính vì vậy mà nguy cơ thiếu phòng khi có các sự kiện quốc tế hoặc các đoàn khách lớn đến Hà Nội lớn như vậy, nhưng thời gian xây dựng các khách sạn đủ tiêu chuẩn lại rất dài khoảng 3-5 năm mới có thể đưa vào vận hành nên việc nhanh chóng bổ sung quỹ đất để xây dựng khách sạn là việc làm hết sức cần thiết và phải rất khẩn trương.
Theo sở Du lịch Hà Nội, để Thủ đô có được một hệ thống cơ sở hạ tầng khách sạn đáp ứng được nhu cầu của ngành du lịch từ nay đến 2010, thành phố cần có chế độ ưu đãi đối với những dự án xây dựng khách sạn trên địa bàn thành phố. Trong đó thành phố thực hiện cơ chế đất sạch để tạo hấp dẫn kêu gọi đầu tư, hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào dự án.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào thì ngành điện đầu tư đưa điện bán đến chân hàng rào doanh nghiệp, ngân sách thành phố hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp xây dựng khách sạn được thuê đất trực tiếp với UBNDTP theo giá ưu đãi và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn thuê tối thiểu 50 năm.
Ðược vay vốn với lãi suất đặc biệt, được áp dụng mức ưu đãi về giá nước, phí vệ sinh môi trường như áp dụng với các khu sản xuất và được ưu tiên về thủ tục cấp giấy phép và các thủ tục về xây dựng công trình. Ðồng thời thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, trong đó chỉ ra quỹ đất dành xây dựng các cơ sở lưu trú, khách sạn du lịch trên địa bàn quận, huyện. Cùng với việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch từ nay đến năm 2020, trong những năm tới, Hà Nội vẫn cần phát triển số lượng phòng khách sạn. Trong thời gian tới thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan chỉ ra một số khu đất cụ thể để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp.
Ðể tạo quỹ đất cho việc xây dựng khách sạn dự kiến, trong thời gian tới, sở Tài Nguyên - Môi trường và nhà đất sẽ trình HÐND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, trong đó dành khoảng 10ha cho xây dựng các khách sạn chất lượng cao. Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đã nghiên cứu và chuẩn bị giới thiệu 4 vị trí có thể xây dựng các tổ hợp khách sạn hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, 3 khu có thể đưa ngay vào kế hoạch sử dụng đất năm 2006 để trình HÐND thành phố. Khu đất thứ nhất nằm ở phía bắc trục trung tâm, quy mô 3,5 ha thuộc Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, sát khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Khu đất thứ 2 gồm 2 lô 3 ha và 2,5 ha nằm ở phía đông bán đảo Linh Ðàm, gần Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao và Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai. Khu đất thứ 3 nằm trên đường Trần Duy Hưng, gần Trung tâm Hội nghị quốc gia. Khu đất thứ 4 ở phía Bắc sông Hồng, nằm trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, trên địa bàn 2 xã Xuân Nộn và Nam Hồng có diện tích 15 ha, giáp đầm Vân Trì.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, khu đất thứ 4 thích hợp xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp. Ngoài diện tích 15 ha dành cho khách sạn, xung quanh còn có 25 ha để hình thành khu du lịch sinh thái và nhà ở thấp tầng. Tuy nhiên, do có diện tích lớn và cần lượng vốn đầu tư khổng lồ, nên các chuyên gia cho rằng khu đất này nên chuyển vào kế hoạch sử dụng đất của thành phố năm 2007.

Nguồn tin: Báo KT&ĐT, ngày 15/01/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)