Nhiều khu vực còn khó khăn về nước
Tại Hà Nội hiện nay, hệ thống cấp nước đô thị được giao cho 5 đơn vị sản xuất, cấp nước (Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty CP nước sạch Sơn Tây và Công ty CP nước sạch Vinaconex) với tổng lượng nước cung cấp khoảng trên 925 nghìn m3/ngày đêm cấp cho gần 950 nghìn khách hàng, tương đương khoảng trên 1,1 triệu hộ gia đình với khoảng 4,6 triệu người dân.
Trong đó, tỷ lệ người dân khu vực 12 quận nội thành Hà Nội được cung cấp nước sạch đạt 97%.
Về chất lượng nước, các cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm y tế dự phòng là cơ quan quản lý Nhà nước được giao chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn theo các quy chuẩn quy định do Bộ Y tế ban hành.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong năm 2016, Công ty Nước sạch Hà Nội đã đưa vào vận hành dây chuyền xử lý nước mặt nhà máy nước Bắc Thăng Long công suất 30.000 m3/ngày đêm nhưng tổng lượng nước sản xuất, cung cấp hiện nay trung bình là khoảng trên 925 nghìn m3/ngày đêm; dự kiến tối đa có thể cung cấp được trên 963 nghìn m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm của mùa hè, do nhu cầu dùng nước tăng mạnh, tăng khoảng 10%-12% so với bình thường, do vậy dự kiến tại Hà Nội thời điểm cao điểm mùa hè lượng nước sẽ thiếu khoảng 70.000-100.000m3/ngày đêm.
Như vậy, một số khu vực tại nội đô sẽ khó khăn về cung cấp nuớc sạch. Như tại quận Ba Đình có 2 khu vực (tại mặt đường và các ngõ 238 đến 242 Âu Cơ, mặt đường An Dương Vương và một số ngõ khu vực Khụy Khuê do là khu vực cuối nguồn có địa hình cao). Tại quận Hoàn Kiếm là khu vực Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai, Hai Bà Trưng. Quận Đống Đa có 7 khu vực ở đường Láng, Láng Hạ, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Cầu… Quận Hai Bà Trưng cũng có 4 khu vực khó khăn về nước tại khu vực phố Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Cảm Hội, Lương Yên… Tại quận Hoàng Mai có 2 khu vực, quận Cầu Giấy 4 khu vực và quận Long Biên có 2 khu vực.
Ngoài ra, tuyến cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà cấp về Hà Nội hiện tại chiếm khoảng 23,4% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội. Hiện tuyến ống đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây và vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, có thể xảy ra sự cố vỡ ống gây ảnh hưởng đến cấp nước khu vực phía Tây Nam Thành phố như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai.
Hoàn thành và triển khai nhiều dự án cấp nước
Hiện nay, Hà Nội đang tập trung hoàn thành các dự án phát triển nguồn, cụ thể là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long-Vân Trì lên 150.000 m3/ngày đêm, đưa vào vận hành bổ sung thêm khoảng 30.000 m3/ngày đêm hè 2017; xây dựng Trạm cấp nước Dương Nội, Hà Đông công suất 30.000 m3/ngày đêm, đưa vào vận hành khoảng 20.000m3/ngày đêm hè 2017).
Ngoài ra, đưa vào vận hành trạm cấp nước Văn Điển, hệ thống cấp nước khu vực Nam Sơn, Bắc Sơn, triển khai lắp đặt hệ thống cấp nước nông thôn sử dụng cộng nghệ lọc nước cùa Đức theo mô hình hộ, cụm hộ, quy mô xã, liên xã.
Thành phố cũng tập trung đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước lắp đặt đồng hồ nhằm giảm lượng nước thất thoát, thất thu chung bởi hiện nay còn khoảng 21% tỷ lệ nước thất thoát, thất thu trên toàn hệ thống. Lắp đặt bổ sung trạm bơm tăng áp, vận hành mạng lưới cấp nước hợp lý kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm.
Đối với các khu vực ở cuối nguồn nước, vị trí có địa hình cao, bất lợi và được dự báo khó khăn về cấp nước thì các Công ty cấp nước thực hiện giải pháp vận hành van, điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp, vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ và huy động các xe stec hỗ trợ cấp nước những đối tượng ưu tiên như bệnh viện, trường học.
Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu dùng nước đô thị đến năm 2020 là trên 1,5 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 là 2,3 triệu m3/ngđ. Để đáp ứng nhu cầu dùng nước Hà Nội đang ưu tiên đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch các công trình tăng nguồn cấp nước, như chỉ đạo Công ty CP Nước mặt sông Hồng triển khai bảo đảm tiến độ Dự án đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy nước mặt sông Hồng; Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy nước mặt sông Đuống.
Ngoài ra, Tổng Công ty Vinaconex, Công ty Viwasupco đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 Dự án cấp nước sông Đà nâng công suất từ 300 nghìn m3/ngày đêm lên 600 nghìn m3/ngày đêm đến năm 2020. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư lắp đặt 21 km tuyến ống truyền tải số 2 trong năm 2017 nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho trung tâm Hà Nội và hỗ trợ tuyến ống số 1 hiện có.
Theo Chinhphu.vn