Tháng 10/2013, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định 1868/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020. Tháng 2/2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ 34 lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, năm 2014 chấm dứt và xóa bỏ 28 cơ sở, năm 2015 chấm dứt và xóa bỏ 2 cơ sở, từ năm 2016 - 2020 chấm dứt và xóa bỏ 4 cơ sở còn lại.
Tuy nhiên, qua hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh mới dừng sản xuất được 22 lò gạch thủ công trên địa bàn Thành phố (hoàn thành 100%), 1 lò gạch thủ công tại Bảo Lạc, 1 lò gạch thủ công tại Bảo Lâm, 1 lò đứng liên tục tại Thạch An. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn đến 18 cơ sở sản xuất gạch thủ công (kể cả những cơ sở phát sinh mới chưa đưa vào Kế hoạch 252/KH-UBND), chưa thực hiện đúng tiến độ. Riêng địa bàn huyện Hòa An, theo kế hoạch xóa bỏ 3 lò gạch thủ công tại xã Đức Long. Tuy nhiên, hiện nay không những chưa thực hiện được kế hoạch, trên địa bàn huyện hiện có đến 15 lò gạch thủ công đang hoạt động. Các lò gạch này hằng ngày dùng than, củi để đốt lò, không có hệ thống xử lý khí thải, trực tiếp phát tán các khí độc hại và bụi ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân xung quanh.
Các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Hòa An đang hoạt động chủ yếu tại các xã: Đức Long (11 lò), Nam Tuấn (3 lò)... Riêng xóm Phia Gào, xã Đức Long có đến 4 lò gạch thủ công đang hoạt động. Anh Đàm Văn Tuấn, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa An cho biết: Theo Kế hoạch 252 của UBND tỉnh, năm 2014, Hòa An tiến hành xóa bỏ 3 lò gạch thủ công tại xóm Phia Gào, xã Đức Long. Đây là những lò gạch thủ công quá trình sản xuất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của học sinh, giáo viên các trường học của xã và bộ đội Tiểu đoàn Huấn luyện của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc. Đặc biệt là thắc mắc trực tiếp của 3 chủ cơ sở này là sao không tiến hành đình chỉ đồng loạt toàn bộ các lò gạch thủ công khác trên địa bàn xã và xin được tiếp tục sản xuất để sử dụng hết số vật tư đã đầu tư, thu hồi vốn. Sau đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa An đã phối hợp với xã Đức Long thực hiện kiểm đếm và lập bản cam kết với các cơ sở sản xuất gạch thủ công chỉ được sản xuất hết số nguyên liệu, vật tư còn tồn đọng và phá dỡ vỏ lò theo kế hoạch. Thực tế, đến nay 3 lò gạch này vẫn đang hoạt động bình thường. Hơn nữa, từ 10 lò gạch thủ công được kiểm đếm, nay còn phát sinh thêm 1 lò gạch mới.
Thực hiện việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn, tháng 4/2017, UBND huyện Hòa An đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về lộ trình triển khai, phấn đấu trước ngày 30/9/2017 sẽ hoàn thành xóa bỏ toàn bộ 15 lò gạch thủ công đang hoạt động trên địa bàn. Giao cho UBND các xã tuyên truyền đến các xóm, tổ dân phố, các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công; vận động, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện cam kết chấm dứt hoạt động và tự giác chấp hành phá dỡ lò theo quy định. Sau thời gian thông báo tháo dỡ theo kế hoạch, nếu các chủ lò không tự giác chấp hành thì lập biên bản xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
Lò gạch của ông Trần Đăng Quang, xóm Phia Gào - một trong 3 lò gạch tại huyện Hòa An cần chấm dứt hoạt động từ năm 2014, nhưng đến thời điểm này vẫn đang sản xuất bình thường. Theo kế hoạch mới của UBND huyện Hòa An, đây cũng là một trong 3 lò gạch khác cùng trên địa bàn xóm Phia Gào sẽ phải hoàn thành phá dỡ, chấm dứt hoạt động trước ngày 30/6/2017.
Ông Trần Đăng Quang, chủ lò gạch cho rằng, gia đình ông thuê đất và tổ chức sản xuất gạch thủ công từ năm 2002. Tôi đã được cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ lò theo quy định... Ông Quang thừa nhận, đang có kế hoạch tổ chức chuyển đổi nghề sang sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, cơ sở vừa nhập hơn 100 tấn than về phục vụ sản xuất, hiện bình quân mỗi tháng chỉ đốt trung bình 1 lò (4 vạn viên gạch). Với số vật tư này muốn tiêu thụ hết cần có thời gian kéo dài ít nhất đến hết năm 2017. Mong muốn của ông là được ngành chức năng tạo điều kiện tiếp tục sản xuất để sử dụng hết số vật tư tồn đọng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Đức Long Hoàng Văn Huyên, từ năm 2015 xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng thực hiện kiểm đếm và lập biên bản cam kết với 3 cơ sở này chỉ được sản xuất hết số vật tư nguyên liệu còn tồn đọng và phá dỡ vỏ lò theo quy định, nhưng các chủ cơ sở này vẫn lén lút nhập thêm than để sản xuất. Xã cũng thành lập đoàn đến từng cơ sở trên địa bàn tuyên truyền, vận động các chủ lò tự giác chấm dứt hoạt động và phá dỡ vỏ lò theo kế hoạch. Xã sẽ thành lập các tổ cưỡng chế phá dỡ với những chủ cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công không tự giác chấp hành.
Được biết, thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung và thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp phép khai thác đất, cho thuê đất để sản xuất gạch thủ công, thủ công cải tiến... cho bất cứ trường hợp nào. Có thể thấy rằng, việc đến thời điểm này vẫn còn đến 18 lò gạch thủ công tồn tại trên địa bàn tỉnh chưa được phá dỡ theo kế hoạch, vẫn đang sản xuất bình thường là những cơ sở không có giấy phép. Để thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở tự giác chấp hành, chính quyền các địa phương đang có lò gạch thủ công chưa được tháo dỡ cần có biện pháp kiên quyết, tổ chức cưỡng chế và xử lý nghiêm các chủ lò không chấp hành.
Theo Báo Cao Bằng