Tính tới thời điểm hiện tại số vốn nước ngoài dành cho lĩnh vực bất động sản đã đạt mức 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư.
FDI tăng cho thấy thị trường bất động sản đang khởi sắc.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 8,8 tỷ USD, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó các dự án đã giải ngân được 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% với cùng kỳ năm 2014.
Tính tới hiện tại, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 64,6 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu đạt 56,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2015, khối này xuất siêu 8,02 tỷ USD.
Về lĩnh vực đầu tư, trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài thì bất động sản lại đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ. Lĩnh vực này hiện có 15 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Tăng mạnh so với con số 465,5 triệu USD của 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa cũng đã chứng tỏ sức hấp dẫn của mình với 141 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 294,9 triệu USD.
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,91 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư. Còn thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có nhiều dự án lớn được cấp phép như: Dự án Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD, Dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD ...
Theo Kinh tế đô thị