Trong công cuộc CNH, HĐH để phát triển kinh tế đất nước, hội nhập quốc tế với những tiến bộ chung của khu vực và thế giới, ngành Xây dựng Việt Nam đang cần nhiều nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi và sâu trong xây dựng dân dụng, công nghiệp, công trình giao thông, công trình thuỷ, công trình ngầm, công trình biển và các công trình có kỹ thuật phức tạp cũng như trong quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị: việc đáp ứng nguồn nhân lực về xây dựng và kiến trúc trong nước và vươn ra thị trường xây dựng nước ngoài là có tính khả thi và đòi hỏi cấp bách là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học kỹ thuật về xây dựng có chất lượng.
Theo GS.TSKH, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Đăng Bích - thành viên Hội đồng sáng lập Trường Đại học Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà cho biết: Hàng năm khu vực phía Bắc có khoảng hơn 50.000 học sinh tốt nghiệp THPT có nguyện vọng tham dự thi vào các trường có ngành xây dựng công trình tại Hà Nội (Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Thuỷ lợi Hà Nội…) trong khi các trường này chỉ có khả năng thu nhận nhiều nhất là 15.000 học sinh, số còn lại rất lớn là nguồn tuyển sinh cho các trường tư thục có loại hình đào tạo chuyên ngành xây dựng và kiến trúc. Vì vậy, dự án thành lập Trường Đại học Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà có hình thức liên kết với các Viện nghiên cứu xây dựng và các đơn vị sản xuất có đội ngũ cán bộ và phòng thí nghiệm xây dựng đủ mạnh để đào tạo các chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực tiễn của từng lĩnh vực xây dựng.
GS.TSKH Nguyễn Đăng Bích dẫn dụ: Ngành cầu hầm ở nước ta hiện nay đang thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về các dịch vụ kỹ thuật và công nghệ cầu hầm hiện đại. Vì vậy, nhu cầu đào tạo các kỹ sư phục vụ trong các cơ quan giám sát thiết kế, doanh nghiệp thi công xây dựng và đơn vị quản lý khai thác các công trình cầu - hầm và đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở ngày một nhiều và ngày càng hiện đại. Đối với chuyên ngành xây dựng công trình biển, nhu cầu khai thác biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta là tất yếu, nó đòi hỏi phải xây dựng hàng loạt các công trình xây dựng ven biển và trên biển, đòi hỏi cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng công trình biển và các hoạt động khoa học công nghệ biển, nghiên cứu xây dựng các phương thức khai thác hợp lý để sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Do đó, Trường Đại học Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà ra đời sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trên. Theo đề án, thì Trường Đại học này sẽ được xây dựng mới theo mô hình hiện đại đáp ứng các nhu cầu học tập, sinh hoạt, giải trí và khu nội trú cho sinh viên tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội có diện tích 20,4 ha, đã có quy hoạch tổng thể hạng mục công trình được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tại Mỹ Đình, huyện Từ Liêm sẽ xây dựng toà nhà 17 tầng trong tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở trên diện tích 12.435 m2 của Cty đầu tư phát triển đô thị Thăng Long để bố trí phòng làm việc của Ban giám hiệu, các phòng ban, trung tâm, bố trí giảng đường và phòng học ở 11 tầng còn lại. Nguồn vốn xây dựng là 72 tỷ đồng vốn góp từ các thành viên Hội đồng sáng lập.
Hội đồng sáng lập đã chuẩn bị được đội ngũ giảng viên gồm 102 người. Trong đó có 5 giảng viên cơ hữu (43 PGS và TS chiếm tỷ lệ 79%) 48 giảng viên thỉnh giảng (có 13 PGS và TS chiếm tỷ lệ 27%). Đa số giảng viên đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và quản lý, bảo đảm tính thực tiễn cao trong chương trình đào tạo của trường.
Theo PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng - Bộ Xây dựng là một trong 5 thành viên sáng lập của trường cho biết: Nhà trường đang khẩn trương triển khai các điều kiện cần thiết để năm 2012 có thể tuyển sinh. Nhà trường sẽ đào tạo các ngành xây dựng công trình và kiến trúc, quản lý đô thị, công trình ngầm, công trình kỹ thuật phức tạp. Dự kiến giai đoạn đầu khi mới thành lập, mỗi năm tuyển sinh khoảng 500 chỉ tiêu, sau đó tăng dần theo các năm. Trường Đại học Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng trong lĩnh vực xây dựng, phù hợp với sự thay đổi mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và môi trường. Tổ chức nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng khoa học trong lĩnh vực xây dựng. Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có kiến thức kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững chắc, có khả năng lao động sáng tạo, trực tiếp thực hiện hoặc giám định các kết quả phân tích, thí nghiệm, kiểm nghiệm có liên quan đến việc đánh giá chất lượng công trình xây dựng… thực hiện các đề tài dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc và tiêu chuẩn hoá xây dựng; tổ chức nghiên cứu phát triển nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng bao gồm kiến trúc công trình, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch không gian và thiết kế đô thị…
Sau khi rà soát điều kiện về đất đai chuẩn bị cho việc thành lập trường tại hồ sơ dự án đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà và kiểm tra thực tế và ý kiến ủng hộ chủ trương thành lập trường của Bộ Xây dựng tại văn bản số 2392/BXD-TCCB ngày 9/11/2007, Bộ GD&ĐT thấy rằng các thủ tục, điều kiện đáp ứng quy định về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương thành lập trường tại Quyết định 07/2009/ QĐ-TTg ngày 15/1/2009 về ban hành điều kiện, thủ tục thành lập, chia tách, giải thể trường đại học.
Trên cơ sở tờ trình của Bộ GD&ĐT, ngày 21/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Xây dựng và Kiến trúc Hồng Hà, văn bản số 99/TTg- KGVX do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký.
Theo Báo Xây dựng điện tử