Theo thống kê của Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), nhu cầu xây dựng của nước ta trong nhiều năm qua ổn định và phát triển ở mức độ 10 - 12%/năm. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt từ việc sản xuất vật liệu nung đã cho thấy sự cần thiết của VLXKN. Trước yêu cầu của thực tiễn, Nhà nước định hướng trong 10 năm tới sẽ đưa 10 - 40% VLXKN vào xây dựng.
Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ phó Vụ VLXD, sản xuất 1 tỷ viên gạch đất nung sẽ tiêu tốn 1,5 triệu m3 (tương đương 75ha đất nông nghiệp bị đào sâu 2m), 150 nghìn tấn than và thải ra 0,57 triệu tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Năm 2020 được dự báo sẽ sử dụng tới 42 tỷ viên gạch thì những con số trên sẽ tăng lên rất nhiều lần làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực và môi trường. VLXKN với những tính năng tiến bộ hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tới môi trường, tận dụng phế thải làm nguyên liệu, tiết kiệm thời gian thi công… là hướng đi đúng của ngành Xây dựng.
Các chuyên gia căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành điện và luyện kim cho biết, năm 2020 sẽ có khoảng 45 triệu tấn phế thải từ tro, xỉ và phải mất 1.100ha đất để chứa nếu không tận dụng chúng. Hàng năm ngành công nghiệp khai thác đá, ngành xây dựng… cũng thải ra hàng triệu tấn phế thải.
Phát triển VLKN bài bản sẽ dần dần thay đổi được quan niệm sử dụng của người tiêu dùng. Ông Bắc cho biết, chủng loại chính sẽ là xi măng - cốt liệu, gạch nhẹ (trong đó có bê tông khí chưng áp và bê tông bọt) và những loại gạch khác được khai thác từ đất đồi, phế thải xây dựng…). Quy mô công suất và công nghệ sản xuất tăng theo từng thời điểm và sẽ chiếm 40 - 50% VLXD vào năm 2020.
Các DN sản xuất vật liệu nung chuyển sang VLXKN sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu có công suất từ 7 triệu viên quy chuẩn/năm sẽ được hưởng ưu đãi của Chương trình cơ khí trọng điểm... Quan trọng hơn, từ năm 2011, các công trình cao từ 9 tầng trở lên sẽ phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN. Do vậy, ngay từ bây giờ các DN cần chú trọng hoàn thiện các giải pháp công nghệ sản xuất, nghiên cứu sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp để sản xuất VLKN…
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh cùng nhóm cộng sự Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã trình bày nghiên cứu công nghệ Geoplymer từ bùn thải của quặng bauxit và tro bay để sản xuất VLXD nhà ở và đường giao thông nông thôn. Được biết, tài nguyên đất bauxit ở nước ta rất phong phú, trong quá trình tuyển quặng thường thải ra lượng đất bùn đỏ. Nếu sử dụng loại đất này để làm đường thì vào mùa khô tạo thành bụi và lầy lội vào mùa mưa. Tro bay, một loại phế thải công nghiệp từ các nhà máy nhiệt điện cũng đã được các nhà nghiên cứu tạo thành chất kết dính trong sản xuất VLXKN.
Trong nghiên cứu cho thấy, công nghệ Geoplymer tạo cho đất có cường độ cao và ổn định lâu dài không chỉ trong trạng thái khô mà ngay cả trong trạng thái bão hòa nước nhờ các chất liên kết. Các khoáng chất rời rạc trong đất sẽ được liên kết lại thành bộ khung không gian vững chắc, tạo nên cường độ và sự ổn định cho sự không ổn định của đất khi gặp sự thay đổi liên tục của môi trường khô ẩm. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 10 - 20% tro bay, 6 - 8ml chất đóng rắn/100g bột, cường độ chịu nén là 120 - 150 kgf/cm2, cường độ kéo khi bửa là 13 -19kgf/cm2, mô đum đàn hồi là 4.000 - 6.000kgf/cm2, độ hút nước đạt 6,8 - 8,8%, hệ số mềm 0,8 - 0,9 với điều kiện sấy 6 giờ và nhiệt độ 1000C.
“Vật liệu Geoplymer từ bùn thải và tro bay là sự kết hợp có tính chất kỹ thuật phù hợp với việc áp dụng sản xuất gạch không nung cho xây dựng nhà ở và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển - kinh tế xã hội của nông thôn trên phạm vi cả nước”. PGS.TS Nguyễn Văn Chánh khẳng định.
Theo : Báo Xây dựng điện tử