Đô thị Việt Nam sau 10 năm phát triển

Thứ sáu, 06/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
10 năm qua, hệ thống đô thị Việt Nam cơ bản đã có nhiều thay đổi, phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Các đô thị đang được mở rộng và nâng tầm cao mới với nhiều công trình kiến trúc khang trang, bề thế. Dân số đô thị tăng từ 18,3 triệu người (1999) lên gần 26 triệu người (2009). Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị trung bình trên toàn quốc là 3,4%ăm. Tăng trung bình dân số khu vực nội thị giai đoạn 1999 - 2009 đạt trên 8,5%ăm. Mạng lưới đô thị phân bổ hợp lý trên 6 vùng của đất nước. Số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị (năm 1999) lên 754 đô thị (9/2009).

Hiện cả nước có 754 đô thị.

Bất cập trong phát triển đô thị

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số toàn quốc đến tháng 4/2009 cả nước có 85,8 triệu người, trong đó có 25,4 triệu dân đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,6%. Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) thì đến tháng 6/2009, dân số toàn đô thị là 31,7 triệu người, tỷ lệ dân số toàn đô thị/dân số cả nước, đạt 37%, trong đó dân số khu vực nội thị đạt 25,5 triệu người chiếm 29,7% dân số cả nước (tương đương với số liệu tổng điều tra dân số 2009).

Điều đó cho thấy có sự hiểu chưa thống nhất về khái niệm dân số đô thị. Theo Luật Quy hoạch đô thị thì “Đô thị bao gồm nội thành, ngoại thành của TP; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”, chứ không còn là “đô thị là khu vực nội thành nội thị và thị trấn”.

Sự phân bố giữa các loại đô thị còn có sự mất cân đối lớn đặc biệt là giữa các đô thị loại III và IV, và giữa các đô thị IV và V. Các vùng trung du, miền núi và hải đảo tốc độ đô thị hóa còn chậm, còn thiếu các đô thị với chức năng là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng, các đô thị vừa và nhỏ lại chưa có sức hấp dẫn, rất khó có khả năng đảm nhiệm một cách đầy đủ vị trí và vai trò trung tâm của mình trong mạng lưới đô thị của tỉnh, vùng cũng như quốc gia.

Tỷ lệ diện tích đất nội thị trên phạm vi toàn quốc là 14.104,22 ha so với tổng diện tích tự nhiên của các đô thị trên phạm vi toàn quốc là 56.963,04 ha chiếm khoảng 24%. Trong diện tích nội thị tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt thấp 27,7%, điều đó chứng tỏ các đô thị chưa tập trung xây dựng, hoàn thiện và lấp đầy trong khu vực nội thị.

Phát triển nhà ở

Hiện cả nước có 754 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM), 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 40 đô thị loại IV và 646 đô thị loại V. Ngoài ra còn có khoảng 10.000 điểm dân cư nông thôn và gần 200 KCN tập trung sẽ là quỹ phát triển đô thị trong tương lai.

Tính đến tháng 6/2009 diện tích nhà ở trên toàn quốc là 1.058,271 triệu m2, trong đó diện tích nhà ở đô thị là 320,722 triệu m2, chiếm khoảng 30,3% diện tích nhà ở toàn quốc. Diện tích nhà ở bình quân cả nước năm 2008 đạt khoảng 12,2 m2/người.

Triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP về phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2009 - 2010 đã có 267 dự án đăng ký xây dựng KTX cho SV với tổng vốn đầu tư 26.045 tỷ đồng để xây dựng 4,931 triệu m2 trên diện tích 554ha, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho 812 nghìn SV; nhà ở cho công nhân KCN giai đoạn 2009 - 2015 đăng ký 110 dự án, quy mô xây dựng hơn 6 triệu m2 sàn, tổng số vốn đầu tư là 25.554 tỷ đồng đáp ứng về chỗ ở cho 960.264 công nhân; nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, đến nay đã có 21 địa phương đăng ký giai đoạn 2009 - 2015 với 189 danh mục dự án, tổng số vốn đầu tư 28.550 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 7,106 triệu m2 sàn với 166.390 căn hộ để đáp ứng cho khoảng 700 nghìn người.

Phát triển khu đô thị mới

Ý tưởng xây dựng khu nhà ở đồng bộ cả công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được gọi là KĐTM được khởi động vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX mà khởi đầu bằng khu nhà ở Linh Đàm của TCty HUD. 9 năm sau, ngày 5/1/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2006/NĐ-CP về Quy chế KĐTM, chính thức pháp quy hoá việc phát triển đô thị theo các dự án KĐTM.

Tính đến cuối năm 2008, tổng số dự án KĐTM có quy mô từ 20ha trở lên trên toàn quốc là 486 dự án, diện tích phân bố khoảng 74.058 ha. Trong đó, miền Bắc có 276 dự án, miền Trung có 49 dự án, miền Nam có 161 dự án, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 39 dự án, vùng đồng bằng sông Hồng và kinh tế trọng điểm Bắc bộ có 237 dự án, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 47 dự án, Tây Nguyên có 2 dự án, Đông Nam bộ và kinh tế trọng điểm phía Nam có 86 dự án, ĐBSCL có 75 dự án.

Hiện 44 tỉnh có dự án KĐTM, còn lại 19 tỉnh chưa có dự án. Như vậy, hiện vẫn còn 30,16% trên tổng số các tỉnh, thành trên toàn quốc chưa thực hiện đầu tư xây dựng theo phương thức ở mới. Số lượng đô thị từ loại III trở lên có dự án KĐTM là 40 đô thị, chiếm 58,82% trong tổng số 68 đô thị cùng loại, số lượng các đô thị từ loại V đến loại IV có dự án KĐTM là 64 đô thị, chiếm 9,36% trong tổng số 684 đô thị cùng loại. Như vậy, hiện các đô thị từ loại V đến loại IV vẫn chưa được chú ý đầu tư xây dựng phương thức ở mới.

Về khu đô thị cải tạo

Hiện nay, chưa có văn bản pháp quy đề cập đến khu đô thị cải tạo. Số liệu thống kê về các khu đô thị cải tạo trên toàn quốc hiện vẫn chưa được cập nhật đầy đủ. Việc có rất ít các dự án cải tạo, chỉnh trang khu đô thị cũ được hiểu là do các dự án cải tạo chưa hấp dẫn các nhà đầu tư vì cải tạo khu đô thị cũ khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn trong đền bù GPMB, đòi hỏi những dự án cải tạo lớn, thời gian thực hiện khá lâu, kinh phí GPMB rất lớn, liên quan đến rất nhiều chủ đầu tư của các lô đất do các cơ quan và các hộ gia đình đang sử dụng. Ở một số đô thị lớn, đã đề cập đến nội dung này xong chủ yếu tập trung vào cải tạo các chung cư cũ nát mà chưa tập trung vào việc cải tạo theo từng ô phố.

Quy hoạch xây dựng

Năm 1999 thẩm định và xét duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung của 18 TP, thị xã, thị trấn, khu kinh tế. Năm 2008 có 58/63 tỉnh thành có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, tất cả các đô thị loại IV trở lên đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Đã có 680/747 đô thị có quy hoạch chung được phê duyệt (chiếm 92%). Năm 2009 quy hoạch xây dựng vùng đô thị lớn của Hà Nội và TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực tế 10 năm qua phần lớn công tác quy hoạch xây dựng đô thị đều sử dụng bản đồ địa hình. Bản đồ địa hình ở các tỷ lệ 1/50.000, 1/25.000, 1/10.000, 1/5.000 thường được sử dụng cho các đồ án quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch chung xây dựng đô thị. Các bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 thường được sử dụng cho đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị. Các bản đồ tỷ lệ 1/2.000, 1/500 được sử dụng cho các đồ án quy hoạch chi tiết. Việc ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS) cho một số ngành kinh tế đã được áp dụng từ lâu, song với công tác quản lý và quy hoạch xây dựng thì mới được áp dụng thí điểm ở một vài đô thị.

Kiến trúc cảnh quan

Ngày 3/9/2002 tại Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị đã từng bước được xây dựng, ban hành khá đồng bộ, tạo tiền đề cho việc thiết lập trật tự xây dựng và phát triển kiến trúc đô thị. Nội dung của công tác thiết kế đô thị cũng đã được đưa vào trong quá trình lập quy hoạch xây dựng mà nội dung chính là hình thành các tổng thể kiến trúc đô thị ở quy mô lớn, là cầu nối giữa kiến trúc công trình và quy hoạch đô thị. Các cơ quan quản lý kiến trúc quy hoạch của các địa phương đã được thành lập. Các hội đồng kiến trúc quy hoạch địa phương và Trung ương đã đóng vai trò quan trọng trong việc xét duyệt đồ án, nhằm nâng cao chất lượng kiến trúc đô thị trong đồ án quy hoạch cũng như trong quản lý kiến trúc đô thị.

Năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định 29/2007/NĐ-CP ngày 27/2/2007 về Quản lý kiến trúc đô thị. Theo tinh thần của Nghị định, nhiều đô thị trong cả nước đã lập quy chế quản lý kiến trúc cho toàn đô thị và quy chế quản lý kiến trúc cho từng khu vực của đô thị. Về kiến trúc đô thị 10 năm qua, nền kiến trúc Việt Nam tiến triển nhanh với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại, ứng dụng nhanh công nghệ thiết kế tiên tiến của thế giới.v


TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)