Điện mặt trời: Còn đắt
Chủ nhân của ngôi nhà đặc biệt này là anh Nguyễn Dương Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời Bách Khoa. Anh Tuấn cho biết, điện năng sử dụng phục vụ chiếu sáng cho toàn bộ ngôi nhà sinh thái này đều bằng năng lượng mặt trời. Anh dẫn chúng tôi ra phía trước ngôi nhà giới thiệu: mái nhà được lợp bằng “ngói pin mặt trời”.
“Ngói” này chịu trách nhiệm hấp thụ ánh sáng mặt trời rồi chuyển vào nạp trong hệ thống ắc quy và thông qua bộ phận chuyển hóa thành điện năng tiêu thụ. Những bóng đèn huỳnh quang được sử dụng thắp sáng trong nhà cũng khác với bóng đèn huỳnh quang thông thường. Các bóng đèn được chế tạo từ đèn led tiết kiệm điện năng. Trung bình mỗi bóng đèn này tiêu thụ khoảng 1/3 điện năng so với đèn huỳnh quang T8, 36W nhưng cường độ ánh sáng vẫn không hề thua kém. Không dừng lại đó, trên mái ngôi nhà sinh thái còn được thiết kế để lắp đặt hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.
Anh Hoàng Văn Nam, ngụ tại đường Lý Thường Kiệt, quận 11 cho biết: “Tôi đã từng có thời gian sống bên Đức, thấy nhiều căn nhà sử dụng tấm pin mặt trời để lợp mái, vừa thay thế ngói vừa để sản xuất ra điện sạch sử dụng cho toàn bộ hoạt động của ngôi nhà.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống điện sạch này của họ cũng chỉ bằng 1/3 giá thành so với nước mình”. Riêng chị Lý Thị Thu Trang, ngụ tại đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, cho biết thêm, máy nước nóng năng lượng mặt trời đã được sử dụng khá phổ biến hiện nay tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc mua loại máy này rất hên xui, nếu mua phải hàng tốt thì không nói gì, còn chẳng may mua phải hàng kém chất lượng thì không biết tìm ai để yêu cầu bảo hành, bảo trì.
Anh Tuấn, chủ nhân ngôi nhà sinh thái lý giải, để đầu tư một ngôi nhà sử dụng điện hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời phải mất khoảng gần 300 triệu đồng (khoảng 10-12 USD/Wp). Sở dĩ, giá thành đầu tư cho một ngôi nhà sử dụng điện mặt trời ở nước ta cao hơn gấp 3 lần so với nước Đức là vì phải nhập khẩu “nguyên liệu thô”.
Hiện nay nước ta chưa thể sản xuất tấm panel hấp thụ năng lượng mặt trời mà phải nhập khẩu về lắp ráp. Tương tự, đối với máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cũng chỉ mới nội địa hóa được khâu sản xuất thùng chứa nước, hệ thống ống dẫn nước và giàn chân đế, còn các thiết bị như ống chân không, tấm hấp thụ nhiệt cũng phải nhập khẩu.
Ước mơ sẽ không xa vời
Theo Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, việc sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện hoặc ứng dụng sản xuất máy nước nóng ở nước ta đã xuất hiện gần 15 năm. Điển hình, ngay từ năm 1995, 180 nhà dân và các công trình công cộng tại buôn Chăm, xã Eahsol, huyện Eahleo của tỉnh Đắc Lắc, được điện khí hóa bằng điện mặt trời 100%. Kế đến là một số hộ dân, nhà văn hóa tại các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn (TPHCM) đã ứng dụng điện mặt trời phục vụ trong sinh hoạt.
Đáng tiếc là cho đến nay, việc phát triển và nhân rộng các mô hình trên vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do giá thành đầu tư sử dụng điện sạch vẫn chưa thực sự khuyến khích người dân tham gia. Những công trình điện mặt trời trên được lắp đặt đều trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài.
Theo ông Tuấn, để chương trình sử dụng điện mặt trời thực sự đi vào cuộc sống, nhất thiết phải có chủ trương, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Ở đây, Chính phủ cần hỗ trợ trên cả hai phương diện: một là hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện sạch với quy mô công nghiệp và bán lại cho người tiêu dùng; hai là hỗ trợ một phần chi phí cho hộ gia đình nào tự đầu tư sử dụng điện sạch. Kinh nghiệm tại những nước dẫn đầu thế giới về sử dụng năng lượng mới như Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức… là đánh thuế cao vào việc sử dụng năng lượng truyền thống và sử dụng nguồn tiền thuế thu được để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, sử dụng năng lượng mới.
Thiết nghĩ, đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm hạn chế nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong những năm tới.
Theo Sài gòn Giải phòng Online