Giải bài toán cho nhà chống bão an toàn

Chủ nhật, 02/08/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bài toán về nhà ở an toàn chống bão lũ, giá rẻ cho người nghèo ở các tỉnh miền Trung vừa được Tổ chức DW, một thành viên của  JANI (mạng lưới các tổ chức phi chính phủ thực hiện vận động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trên thế giới tại Việt Nam) giải đáp.

Chuyên gia đang hướng dẫn xây dựng mô hình nhà chống bão ở Thừa Thiên - Huế.

Phần lớn nhà ở miền Trung thuộc dạng bán kiên cố, hệ thống liên kết giữa các bộ phận trong ngôi nhà chưa hợp thành một thể thống nhất nên thường không chống được gió bão.

Với yêu cầu đó, từ năm 2000 đến nay dự án xây dựng nhà an toàn chống bão do DW hỗ trợ đã được triển khai trên 30 xã tại Thừa Thiên - Huế, gia cố trên 1.600 ngôi nhà, xây dựng 500 nhà mới, gần 70 công trình công cộng vừa và nhỏ…

Nhà ở chống bão an toàn

Theo đó, mẫu nhà chống bão an toàn đã được triển khai tại các tỉnh miền Trung, Thừa Thiên - Huế là địa phương được chọn thực hiện dự án này với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Mẫu nhà này đã nhận được giải thưởng quốc tế về nhà ở năm 2008 nhân ngày quốc tế về nhà ở 6/10 tại Luanda Angola, do Quỹ Xây dựng nhà ở xã hội được bảo trợ bởi Chương trình định cư Liên hợp quốc trao tặng.

Những ngôi nhà chống bão theo tiêu chuẩn an toàn được xây dựng tại Thừa Thiên - Huế đều có thiết kế, kỹ thuật xây dựng khá đơn giản, giá thành không cao hơn các ngôi nhà bình thường, rất thích hợp với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển đầm phá có nguy cơ thiệt hại do bão gây ra.

Nhà chống bão khi xây dựng phải đảm bảo theo đúng 10 tiêu chuẩn, đảm bảo các bộ phận nền móng, tường, kết cấu mái và kết cấu bao che đều được liên kết và neo giữ chắc với nhau, cửa ra vào, cửa sổ phải khít, đủ then, chốt để khoá, giằng chống được, đồng thời trồng cây xung quanh nhà để chắn gió, rất thích hợp với những vùng đầm phá, ven biển.

Mỗi gia đình tùy theo địa hình và miếng đất xây dựng, theo hướng gió, theo quy luật phong thủy, tập quán của từng địa phương, theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà lựa chọn mẫu nhà cho phù hợp.

Mỗi gia đình có thể xây nhà mới theo giá dao động từ 30-50 triệu đồng, 9 triệu đồng cho nhà gia cố.

Ông Hoàng Trọng Nam, một kỹ sư xây dựng tại Huế nói: “Ngôi nhà an toàn chống bão được thiết kế hết sức đơn giản, nhưng nó thật sự đã chắt lọc được những kinh nghiệm trong nhân dân, đảm bảo được nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất nó có sức chịu đựng trước bão tố, giúp dân tránh thiệt hại trước mùa mưa bão”.

Sẵn sàng đón bão

Thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), những ngày này có rất nhiều ngôi nhà an toàn tránh bão được mọc lên.

Mệ Trần Thị Sa (76 tuổi) kể: “Trận lụt lịch sử năm 1999 cả nhà mệ có 5 người, trong đó có 2 cháu nhỏ. Nước lũ dâng cao, nhà không có xuồng nên không chạy lũ được, cả nhà đành phải đứng trên giường, nhìn đồ đạc, lợn gà trôi theo dòng nước lũ mà chẳng làm được chi. Cứ mỗi trận gió lớn là cả nhà run lên trong sợ hãi vì lo ngôi nhà xập xệ có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào. Năm 2001 mệ được dự án giúp đỡ 2 triệu và cho vay thêm 2 triệu đồng để gia cố lại ngôi nhà, mấy năm nay lũ qua nhà, mệ vẫn yên tâm lắm”.

 

Ông Thông bên ngôi nhà phòng chống bão mới được xây dựng.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Thông cũng đang xây dựng lại ngôi nhà chống bão như mệ Sa, và cũng được DW hỗ trợ 12 triệu đồng. “Mừng lắm, bao nhiêu năm rồi sống trong lo âu, mỗi khi bão lũ tràn về gia đình tui phải kéo nhau đi tản cư, năm nay được dự án hỗ trợ, gia đình tui vay thêm tiền để xây dựng lại ngôi nhà ở cho yên tâm khi mùa bão lũ về làng” - ông Thông cho biết.

Phía bên cạnh là nhà anh Hoàng Tuấn, được xây dựng khá kiên cố, anh cho biết, ngôi nhà này anh xây dựng năm 1996. Đến năm 2004, sau khi tham dự lớp tập huấn của dự án, anh tự sửa lại ngôi nhà theo mô hình nhà chống bão.

Đầu năm 2009, anh Tuấn xây thêm một gian nhà mới, nhưng lần này anh không xây nhà theo kỹ thuật xây dựng nhà ở an toàn, vì mái nhà xây dựng theo kiểu có con lươn liên kết an toàn nhưng nhìn không đẹp.

Thế nhưng, mỗi khi có mưa to gió lớn, gia đình anh lại phải rút về ngôi nhà cũ cho yên tâm vì sợ gian nhà anh mới xây tuy đẹp nhưng có thể tốc mái bất cứ lúc nào, anh tiếc nuối cho biết: Nếu sửa lại anh sẽ lại sửa theo mẫu nhà an toàn.

Phòng hơn chống

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đậu, Trưởng bộ phận tuyên truyền, thuộc Dự án Phòng chống thiệt hại về nhà ở do bão gây ra tại Huế cho biết: “Do nguồn tài trợ có giới hạn, dự án chỉ hỗ trợ một phần nhỏ cho những gia đình thuộc diện hộ nghèo, diện chính sách mới được hỗ trợ để xây dựng nhà chống bão, số còn lại vẫn trong tình trạng phập phồng lo âu trước mùa bão đến vì không có tiền xây nhà”.

“Tuy nhiên, chúng tôi đang vận động số còn lại vay mượn để xây cho bằng được nhà chống bão. Bên cạnh việc vận động, chúng tôi đã tập huấn cho gần 200 thợ xây nắm bắt kỹ thuật, phương pháp xây nhà an toàn để đến khi dự án DW kết thúc thì việc đáp ứng đội ngũ xây dựng tại chỗ cũng sẵn sàng”.

Ông Đào Ngọc Ninh, điều phối viên của JANI  tại Việt Nam khẳng định mạng lưới JANI chú trọng vào việc phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng, chắt lọc những kinh nghiệm đã có sẵn để ứng dụng và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân phòng tránh là chính, cứu trợ là phụ. Cụ thể: Chi 1USD cho phòng tránh sẽ giảm được 7USD cho việc khắc phục.

Do đó, tổ chức các thành viên của JANI chỉ giúp người dân Việt Nam, đặc biệt là Thừa Thiên - Huế xây một số căn nhà an toàn làm mẫu và một số phương pháp đề phòng chống thiên tai khác.

Theo : vietnamnet.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)