Khu du lịch sinh thái Laguna - Huế được xây dựng tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô), do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư trên diện tích rộng 280 ha với tổng vốn đầu tư 875 triệu USD. Dự kiến, việc xây dựng sẽ được triển khai theo 4 giai đoạn. Khi hoàn tất, Laguna - Huế sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng, hơn 1.000 căn hộ cao cấp, khu spa, khu mua sắm, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, các địa điểm giải trí, cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch. Giai đoạn 1 của dự án (được khởi công 1/8/2009) bao gồm 2 khu nghỉ mát, 1 sân golf 18 lỗ và các căn hộ để bán, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011.
Để chuẩn bị thực hiện dự án lớn này, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông và giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh. Phát biểu tại khởi công khu du lịch Laguna-Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương tỉnh Thừa Thiên Huế trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế đạt trên 9% là một cố gắng lớn. Thủ tướng tin tưởng rằng, với việc khởi công Dự án khu du lịch lớn như Laguna-Huế, được đầu tư bởi nhà đầu tư có uy tín, trong thời gian tới Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và góp phần thúc đẩy phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phát triển và tập trung hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đề án nhằm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng Dự án Khu du lịch Laguna-Huế
Sau khi dự lễ khởi công xây dựng Khu du lịch Laguna Huế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khởi công Khu Công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn-Chân Mây.
Dự án hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây có tổng vốn đầu tư là 1.279 tỷ đồng, trên tổng diện tích là 657,78 ha trong đó Khu công nghiệp có diện tích 170,19 ha; Khu phi thuế quan có diện tích là 487,59 ha. Dự án sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn đầu có tổng vốn đầu tư là 640 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011; giai đoạn 2 có vốn đầu tư 639 tỷ đồng, sự kiến hòan thành vào cuối năm 2014.
Cũng trong ngày khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, Công ty cổ phần Đầu tư Saigon – Huế tiến hành khởi công nhà xưởng xây dựng sẵn với diện tích lên đến 100.000m2, có vốn đầu tư 400 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.
Phát biểu tại lễ khởi công Khu Công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn-Chân Mây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với các lợi thế như có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nằm trên chuỗi các di sản thế giới của miền Trung, có vịnh Lăng Cô là thành viên của câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, nằm giữa 2 cảng hàng không quốc tế lớn và 2 đô thị lớn là Huế và Đà Nẵng, là nơi mà trong tương lai gần sẽ ưu tiên triển khai xây dựng đường bộ cao tốc đường sắt cao tốc Bắc Nam (đoạn Huế-Đà Nẵng được triển khai sớm), cho nên sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, là nơi thuận lợi cho các nhà đầu tư đến làm ăn.
Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng Dự án Khu công nghiệp-Khu phi thuế quan Sài Gòn-Chân Mây
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cùng chủ đầu tư nghiên cứu xây dựng Trung tâm đào tạo nghề để góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế và tạo điều kiện cho người dân trong khu vực có cơ hội được làm việc trong các công ty, nhà máy của Khu kinh tế trong tương lai.
Tại Lễ khởi công Khu Công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn -Chân Mây, chủ đầu tư đã trao tặng 1 tỷ đồng đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa tặng người nghèo huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô là 1 trong 13 Khu Kinh tế được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, với những chính sách thông thoáng thu hút đầu tư cùng với sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau 3 năm hoạt động đến nay Khu kinh tế này đã có 33 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đầu tư lên hơn 31 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2 tỉ USD. Trong đó có 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 1,4 tỉ USD. |
Theo : www.chinhphu.vn