Chương trình 134 – 135: Cốt lõi của công cuộc xóa đói giảm nghèo

Thứ bẩy, 18/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 18/4, chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về công tác chuẩn bị Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg (Chương trình 134) và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chương trình 134 – 135 là cốt lõi của công cuộc xóa đói giảm nghèo, đây là sự nghiệp to lớn, bền bỉ và lâu dài, vì vậy cần phát huy những mặt đã làm tốt, khắc phục nhược điểm, từ đó tiếp tục tập trung triển khai chương trình để đạt được những kết quả bền vững hơn.

Đồng bào Mông (huyện Trạm Tấu-Yên Bái) nhận tấm lợp từ Chương trình 134 của Chính Phủ.

Chương trình 134 – 135 đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc phù hợp với điều kiện của đất nước. Đây được coi là những chính sách hợp lòng dân, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và quan tâm hỗ trợ vốn.

Tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt

Về Chương trình 134, sau 4 năm tổ chức triển khai thực hiện ở 53 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã đáp ứng được niềm mong đợi của một bộ phận đồng bào dân tộc và tháo gỡ cho nhiều địa phương những khó khăn bức bách về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt.

Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo của Trung ương (BCĐ), đến hết năm 2008, đã hỗ trợ được gần 380.000 nhà ở cho đồng bào nghèo, đạt 111% so với mục tiêu đề ra với nguồn vốn được thực hiện gần 2.000 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ” thì nơi đó nhà ở được làm tốt.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những địa phương không thực hiện tốt Chương trình 134-135. Ảnh: Chinhphu.vn

Sau 3 năm triển khai  Chương trình 135 trên địa bàn 43 tỉnh, thành phố, hơn 1 triệu hộ nông dân đã được hỗ trợ sản xuất, với trên 2.300 tấn giống cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, trên 100.000 máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất; tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 210.000 lượt người… Tổng kinh phí của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giải ngân sau 3 năm đạt gần 700 tỷ đồng, hoàn thành trên 83% kế hoạch giao.

Riêng về việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình đã đầu tư xây dựng trên 8.200 công trình hạ tầng thiết yếu. Chương trình 135 đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo các xã đặc biệt khó khăn từ 47% năm 2005 (trước khi thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II) xuống còn 35,6% năm 2008, mỗi năm giảm được từ 3-4% hộ nghèo. Kết thúc năm 2008, có trên 93% xã cơ bản đã được đầu tư xây dựng đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu..

Nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những địa phương không thực hiện tốt Chương trình 134-135

Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị tổng kết sắp tới cũng như tiếp tục rút kinh nghiệm cho việc triển khai các yêu cầu tiếp theo của Chương trình, hầu hết đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng Hội nghị nên dành nhiều thời gian cho các địa phương nêu lên những mặt làm được và chưa được, đưa ra những kinh nghiệm của địa bàn mình, đồng thời cùng thảo luận để có được các giải pháp thực hiện tốt hơn Chương trình 134-135.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, BCĐ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đánh giá cụ thể việc tổ chức thực hiện các mục tiêu đặt ra, nêu rõ những địa phương thực hiện tốt và chưa tốt Chương trình 134-135, làm rõ nguyên nhân; đặt ra mốc phấn đấu cho từng mục tiêu cụ thể.

Phó Thủ tướng cho rằng, phải khẳng định Chương trình 134-135 là những chính sách đúng đắn, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân cùng các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện. Chương trình 134-135 cùng với các chương trình xóa đói giảm nghèo khác như Nghị quyết Tam nông, chương trình về đào tạo việc làm, nhà ở, kích cầu cho nông dân mua máy móc thiết bị, cây con giống… sẽ góp phần nâng cao đời sống của đồng bào nghèo trên cả nước. Theo Phó Thủ tướng, cơ bản nhất là thay đổi thói quen canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó cần chú trọng nhất tới công tác đào tạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Hội nghị sắp tới cần biểu dương những địa phương làm tốt. Mặt khác, cần nghiêm túc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đối với những nơi không triển khai tốt Chương trình 134- 135; yêu cầu các địa phương đó nêu rõ nguyên nhân yếu kém và triển khai chậm; đồng thời phải nêu rõ xã, huyện, tỉnh nào làm kém nhất để kiểm điểm và rút kinh nghiệm.

Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững, ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Đây là quyết định quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.

Ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) với mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường…, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước. Phấn đấu đến năm 2010, trên địa bàn cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 30%. Chương trình có 4 nhiệm vụ: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; Dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.

 
Theo : www.chinhphu.vn
 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)