Quan điểm của Chính phủ, được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, là phải sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật đất đai với tinh thần mở rộng là Chính phủ đề nghị Việt kiều đủ điều kiện được mua nhiều nhà trong nước.
Trong đó sẽ tách đối tượng Việt kiều nêu tại khoản 1 điều 126 hiện hành thành hai trường hợp: người có quốc tịch VN và người gốc VN, đồng thời bổ sung một số đối tượng: người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt; người có vợ hoặc chồng là công dân VN đang sinh sống ở trong nước. Bên cạnh đó, so với quy định của điều 121 hiện hành thì dự thảo luật nêu trên quy định theo hướng Việt kiều sẽ có thêm hai quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở, nhưng so với công dân VN ở trong nước thì đối tượng này bị hạn chế hơn hai quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Về một số ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép các đối tượng Việt kiều nêu trên được sở hữu một nhà ở, bởi vì mục đích của chính sách này là tạo điều kiện để Việt kiều có chỗ ở tại VN, không khuyến khích họ đầu cơ, mua nhiều nhà ở… Bộ trưởng Quân cho biết quan điểm của Thường trực Chính phủ là luật hiện hành cũng không quy định số lượng nhà ở được sở hữu, vì vậy khi sửa đổi luật mới không nên hạn chế hơn so với luật hiện hành.
Để làm rõ mục đích mua nhà để ở chứ không phải kinh doanh, đầu cơ, Thường trực Chính phủ bổ sung quy định “được sở hữu nhà dùng để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình” vào dự thảo luật mới. Đồng thời quy định chủ sở hữu nhà ở chỉ được cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian tạm thời không dùng để cho bản thân và gia đình.
Tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng Việt kiều không thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo ông Kiên, nếu bà con kiều bào có thu nhập quá thấp, mức lương nằm trong điều kiện được mua nhà xã hội thì Chính phủ nên khuyến khích.
Để sớm đáp ứng nguyện vọng được sở hữu nhà ở tại VN của bà con kiều bào, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện, Chính phủ đề xuất dự thảo luật nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2009.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Liên quan đến việc sửa Luật đất đai, Ủy ban Kinh tế đề cập vấn đề thống nhất cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. “Nhiều nhà đầu tư đề nghị thực hiện nghiêm túc việc này và lần này cần sửa quy định có liên quan trong Luật đầu tư và Luật nhà ở” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói.
Theo Địa ốc TTO