Dự án di dân, TĐC Thủy điện Sơn La: Có thể về đích sớm 2 năm

Thứ tư, 15/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong chương trình di dân, tái định cư phục vụ Thủy điện Sơn La, nhìn chung hệthống chính sách, cơ chế khá đồng bộ, hợp lý, khối lượng cơ bản đảm bảo yêu cầuđáp ứng các mốc chính, chính sách bồi thường hỗ trợ ngày càng phù hợp hơn...

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là các nhận định cơ bản trong bản Báo cáo của Đoàn Giám sát về việc thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) Dự án Thủy điện Sơn La trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi khai mạc phiên họp thứ 19, ngày 14/4.  

Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ trước 2 năm

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trưởng Đoàn giám sát  Ksor Phước, sau đợt tiến hành giám sát 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, kết quả chung cho thấy đến nay, hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện Dự án đã được xây dựng và ban hành đồng bộ và khả năng có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án trước 2 năm so với kế hoạch.  

Dự án Thủy điện Sơn La ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với tổng diện tích đất bị ngập 23.333 ha, trong đó đất nông nghiệp 7.670 ha, đất lâm nghiệp 3.170 ha, đất ở 527 ha. Số dân phải di chuyển dự kiến đến 2010 là 18.897 hộ, 91.100 khẩu.

Phương án bố trí TĐC: Sơn La có 10 vùng, bố trí 100% số hộ TĐC của tỉnh (12.479 hộ/62.394 khẩu), Lai Châu có 4 vùng TĐC cho 4.043 hộ, Điện Biên TĐC cho 2.739 hộ.

Tổng vốn đầu tư Dự án: 10.294,9 tỷ đồng.

Qua các cuộc khảo sát cho thấy, chính sách TĐC ngày càng phù hợp hơn với nguyện vọng của người dân, đảm bảo người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi cũ về nhà ở, điện, nước, đường, trường học,… nên đến nay cơ bản chưa có khiếu kiện vượt cấp xảy ra.

Các địa phương cũng tích cực trong thực hiện quy hoạch đất TĐC, giao đất ở, tạm giao đất sản xuất cho các hộ phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển sản xuất, bước đầu chú trọng đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Sau 6 năm thực hiện Dự án, tính đến 31/12/2008, tại 3 tỉnh đã di chuyển được 12.557 hộ, đạt 62% số hộ phải di chuyển cho dự án; tổ chức thống kê đền bù, lập phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho 24.931 hộ; triển khai lập 1.356 dự án, phê duyệt 1.206 dự án, khởi công 772 dự án và hoàn thành 385 dự án thành phần, xây dựng khu, điểm TĐC mới.. Cùng với đó, công tác giao đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất, nhà ở và đời sống được đẩy mạnh với việc tạm giao 5.078 ha đất, làm nhà ở cho 11.991 hộ. 

“Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo cân đối vốn để giao cho các địa phương thực hiện với mức trung bình 6.000 tỷ đồng mỗi năm và dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng trong năm nay là yếu tố cơ bản đảm bảo kế hoạch”, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá. 

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, với cơ chế, chính sách đang thực hiện và thực trạng hiện nay, tiến độ di dân, tái định cư trong thời gian tới đảm bảo hoàn thành kế hoạch Dự án đề ra, đáp ứng tiến độ lấp dòng đợt 3 Thủy điện Sơn La vào cuối quý II/2010 và phát điện Tổ máy số 1 vào quý IV/2010. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện các Bộ, ngành tham dự phiên họp - Ảnh: Chinhphu.vn

Cần sớm có Nghị quyết đôn đốc, đẩy mạnh công tác TĐC

Bên cạnh đó, ý kiến giám sát cũng như ý kiến của các thành viên UBTVQH, đại diện Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại cần tập trung khắc phục trong chương trình di dân, TĐC Thủy điện Sơn La.  

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, điểm yếu dẫn đến một số khâu, hạng mục của Dự án di dân TĐC không theo kịp yêu cầu là công tác giải ngân tại các địa phương thời gian qua còn chậm.

“Chính phủ luôn có chỉ đạo kịp thời để cân đối nguồn vốn, ban hành những cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện Dự án di dân như cơ chế chỉ định thầu, chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng dự án,… Tuy nhiên, việc mới đạt 57,8% kế hoạch giải ngân trong thời gian qua khiến phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ. 

Một số ý kiến cũng tán thành yếu kém trong công tác giải ngân sẽ ảnh hưởng đến tiến độ Dự án và gây áp lực lớn cho thời gian còn lại cũng như chất lượng TĐC và đời sống nhân dân sau TĐC.

Mặt khác, trên thực tế, nhiều khu, điểm TĐC đã đón dân nhưng công trình công cộng chậm được xây dựng như trường, trạm xá, nhà văn hóa, điện, nước sinh hoạt,… Một số nơi, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế kỹ thuật - dự toán, việc điều tra, kiểm đếm, thống kê xác định bồi thường về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và tài sản trên đất chậm, chưa được quan tâm đúng mức. 

Các thành viên trực tiếp giám sát cũng nêu ra thực tế, định mức xây dựng, tiêu chuẩn đất ở, hạ tầng ở một số nơi chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, tập quán sinh sống của người dân. Từ đó dẫn đến việc tuy chính sách hỗ trợ đời sống thực hiện tốt nhưng chưa đáp ứng cho người dân ổn định cuộc sống. 

UBTVQH đã thống nhất, thời gian tới Báo cáo kết quả giám sát sẽ được tiếp tục hoàn thiện, để trên cơ sở đó UBTVQH lần đầu tiên ra Nghị quyết, đôn đốc về một dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, nhấn mạnh tới các nhiệm vụ trọng tâm như tổng rà soát, chấn chỉnh công tác quy hoạch chi tiết, kiểm tra kỹ số hộ, số khẩu phải di dời, các địa phương nghiêm túc thực hiện giải quyết đền bù đúng chính sách, kịp thời cho các hộ TĐC, hộ sở tại bị ảnh hưởng, sớm có các giải pháp tăng cường nguồn nhân lực và vật lực thiết kế thi công cho các công trình xây dựng do thời gian hữu dụng (mùa khô) không còn nhiều.

 

Theo Chính phủ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)