Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Nhờ việc triển khai nhanh, quyết liệt những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ nên tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2009 của cả nước diễn biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí I đạt 3,1%.
Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia có tăng trưởng dương
Kinh tế Việt Nam quí I/2009 chỉ tăng 3,1% là mức tăng thấp nhất theo quí kể từ khi khủng hoảng tài chính lan rộng và theo một số chuyên gia đây có thể là đáy của suy giảm tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế ghi nhận những dấu hiệu tích cực của chỉ số tăng trưởng này, bởi trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hơn 170 quốc gia chỉ có 12 nước tăng trưởng dương; trong đó, Việt Nam tăng 3,1% trong quí I/2009 là mức tăng khá.
Bên cạnh đó là nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế như: Cán cân thanh toán cân đối; cán cân thương mại có xuất siêu. Quí I/2009 kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD, nhập khẩu 11,8 tỷ USD, xuất siêu gần 1,7 tỷ USD. Ngân hàng điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp, giữ được an toàn hệ thống ngân hàng, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm (0,17%) so với tháng 2, tính chung 3 tháng đầu năm chỉ tăng 1,32% so với tháng 12/2008. Nông nghiệp phát triển thuận lợi cả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ yếu tăng. An sinh xã hội được đảm bảo. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững tại 61 huyện nghèo đang được triển khai tích cực.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện quí I/2009 theo giá thực tế tăng 9% so với cùng kỳ năm trước có tác động tích cực đối với tăng trưởng, dấu hiệu ấm lên của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sôi động trở lại cho thấy kinh tế Việt Nam có triển vọng hồi phục sớm hơn thế giới.
Khó khăn thách thức còn rất lớn
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế mở, đang trên con đường hội nhập quốc tế, đã không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang ngày càng lan rộng.
Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp quí I/2009 tăng 2,1% nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng quí I/2008 (quí I/2008 tăng 16,3%). Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn đặt hàng, nếu có thì giá trị thấp, lại ngắn hạn. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 40% giá trị toàn ngành bị khó khăn bởi tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD, giảm 15%; nhập khẩu đạt 4,3 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ. Du lịch giảm 16,1%. Thị trường chứng khoán liên tục dao động đi xuống từ đầu năm, dừng lại ở mức đáy vào cuối tháng 2/2009 và sau đó có xu hướng đi lên trong tháng 3/2009.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2009 - Ảnh: Chinhphu.vn
Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu dự họp và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 và triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009 trình Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội trong phiên họp sắp tới.
Thủ tướng nhận định: Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương, của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. “Chúng ta đã chung sức, đồng lòng hạn chế thấp nhất thiệt hại, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, tạo khả năng thời gian sắp tới sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn”, Thủ tướng nói: Các quí sau, có nhiều dấu hiệu tích cực để đạt mức tăng trưởng cao hơn, trên cơ sở đó, Thủ tướng nhất trí với các thành viên Chính phủ đề nghị Đảng, Quốc hội cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 xuống khoảng 5%; bội chi ngân sách tối đa không quá 8%.
Tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu
Thủ tướng nêu rõ: Mục tiêu trong các tháng tới là tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì, phấn đấu để khôi phục đà tăng trưởng bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra và lưu ý, nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là nhóm giải pháp gốc. Trong đó cần quyết liệt chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đây là yếu tố tạo nền tảng cho sự ổn định, kích cầu tiêu dùng, không để dịch bệnh tràn lan ở vật nuôi, cây trồng, không để tái diễn tình trạng “trúng mùa rớt giá”, người nông dân làm lúa có lãi trung bình khoảng 30%. Thủ tướng gợi ý, trong gói kích cầu đầu tư, các Ngân hàng nên cho nông dân vay mua máy móc nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép), mua xe máy, xe công nông, tivi…với lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Thủ tướng biểu dương một số tập đoàn viễn thông đã đầu tư điện thoại cho người tiêu dùng mà không thu tiền.
Đối với sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông cần tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục hành chính rườm rà, tạo mặt bằng xây dựng sạch, xem lại cách tính giá điện vào giờ cao điểm. Thủ tướng yêu cầu tập trung đơn giản hóa các thủ tục để giải ngân nhanh và thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI), cũng như vốn ODA.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường chống buôn lậu; trên tinh thần không vi phạm cam kết WTO, thúc đẩy mạnh mẽ xúc tiến thương mại, quan tâm đến thị trường nông thôn, nông dân.
Thời gian qua, việc điều hành chính sách tiền tệ khá tốt, song Thủ tướng cũng nhắc nhở: Ngân hàng Nhà nước cân nhắc lại lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cho phù hợp với tình hình lạm phát không quá 6%. Thủ tướng đồng ý bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất 4% các dự án đầu tư mới với thời hạn 2 năm, song song với việc tiến hành kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích sẽ tiến hành thu hồi phần lãi suất hỗ trợ. Nguồn vốn bổ sung từ trái phiếu Chính phủ và tạm ứng từ ngân hàng cần được tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, làm nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho sinh viên.
Thời gian qua, công tác an sinh xã hội đã làm khá tốt, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý ngành Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện điều kiện khám chữa bệnh cho người nghèo. Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng, Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc cho sinh viên nghèo vay học tập, đồng thời chuẩn bị nguồn để tăng lương cơ bản vào tháng 5 tới.
Trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt hơn nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần có các nghiên cứu chiến lược về sự chuyển động của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và những tác động đối với Việt Nam. Các thành viên Chính phủ trực tiếp kiểm tra đôn đốc địa phương thực hiện các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan thông tin đại chúng, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhân dân tin tưởng, chung sức, đồng lòng cùng với Chính phủ vượt qua khó khăn thách thức trước mắt, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra./.
Theo : www.chinhphu.vn