Nhiều dự án tăng mạnh về quy mô
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng qua cả nước đã thu hút hơn 5,3 tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký, bằng 70% cùng kỳ năm 2008. Có 67 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ nhưng đã có 10 lượt dự án xin tăng vốn với tổng vốn 3,8 tỷ USD. Đáng chú ý có 3 dự án quy mô lớn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Dự án xây dựng Vườn thú hoang dã Safari và khu nghỉ dưỡng Bình Châu, tổng vốn 500 triệu USD; Dự án Khu đô thị mới Tóc Tiên 600 triệu USD và Dự án The Vietstar Mixed-User Complex Project 200 triệu USD. Riêng dự án Khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel của Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ) điều chỉnh vốn tăng từ 300 triệu USD lên 4,1 tỷ USD. Như vậy, bên cạnh những dự án lớn tiếp tục đổ vào Việt Nam, các dự án đã triển khai cũng tăng mạnh quy mô. Đây là một đặc điểm mới rất đáng chú ý trong bối cảnh suy giảm mạnh về đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Hơn 5,3 tỷ USD nói trên được các chuyên gia đánh giá là kết quả khả dĩ trong hoàn cảnh hoạt động đầu tư quốc tế đang vào đà giảm sâu.
Có được những kết quả tích cực như trên là do cộng đồng đầu tư quốc tế vẫn tin tưởng vào tương lai nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC) nhận định, Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao, xếp ở vị trí thứ ba về hấp dẫn đầu tư đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp nước này chọn Việt Nam là nơi sản xuất kinh doanh dài hạn, tạo bàn đạp xuất khẩu thay vì dồn quá nhiều vốn vào thị trường khác. Một số tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao chính sách và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ, EU khẳng định sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào những dự án hạ tầng quy mô cấp quốc gia và khu vực. Họ tỏ ra hào hứng với việc lập cơ sở sản xuất hoặc dịch vụ hậu cần, du lịch phục vụ hoạt động kinh tế - đầu tư cho khu vực ASEAN...
Bất động sản, tổ hợp du lịch hút vốn
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng ngày càng rõ đến khả năng thu hút vốn, thể hiện qua tình hình ở các địa phương. Trong 2 tháng qua, tổng vốn ĐTNN do TP Hải Phòng cấp phép chỉ xấp xỉ 15 triệu USD, bằng 27% so với cùng kỳ, Đà Nẵng mới cấp phép cho 1 dự án với 2,3 triệu USD. Sức hấp dẫn vốn ĐTNN tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Vĩnh Phúc... giảm đáng kể. Như vậy, đã xuất hiện tình trạng xôi đỗ trên bản đồ tiếp nhận đầu tư. Qua đó cho thấy, dường như nhà đầu tư đang đưa nhiều vốn vào những dự án khả thi, có sức lan tỏa hoặc hứa hẹn tiềm năng thay vì "bẻ" vốn, chia ra nhiều dự án. Mặt khác, số vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, tổ hợp du lịch đang chiếm phần lớn trong tổng vốn ĐTNN. Nếu tình trạng "no dồn đói góp" còn tiếp tục sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong việc bổ sung vốn cho các vùng, nhất là đối với đô thị lớn - nơi được coi là đầu tàu thúc đẩy các địa phương trong khu vực cùng phát triển.
Trước dự báo tình hình thu hút và giải ngân vốn ĐTNN trong năm sẽ gặp nhiều khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cùng với việc tranh thủ thu hút dự án mới, trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về ĐTNN năm nay là việc tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư đi vào triển khai và giải ngân nhanh nguồn vốn. Bộ đã đề nghị các địa phương rà soát, nêu rõ những dự án gặp khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân.
Về lâu dài, việc duy trì phong độ của một quốc gia trong thu hút nguồn vốn ngoại luôn là một mục tiêu khó nhưng không phải là không thể. Như nhận xét của nhiều nhà bình luận cao cấp, Việt Nam luôn biết cách thoát khỏi và vượt qua tình huống khó khăn trong những thời điểm bất ngờ nhất...
Theo Hà Nội mới