Thị trường bất động sản Hà Nội: Lấy đà khởi động!

Thứ ba, 03/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam từ giữa năm 2008 tới đầu năm 2009 hầu như đóng băng. Các giao dịch mua, bán xảy ra cầm chừng và rất ít thành công, thậm chí các thông tin về giá nhà, đất cũng không mấy ai quan tâm.

Thế nhưng bước vào nửa cuối quý 1/2009, sau những biến động về giá vàng, đô la... cũng như việc thực hiện một loạt chính sách  của Chính phủ, trong đó có chính sách kích cầu thì thị trường bất động sản ở hai trung tâm lớn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần “ấm”  lên.

Do ảnh hưởng của sự suy thoái  kinh tế thế giới đang trực tiếp tác động sâu rộng vào nền kinh tế Việt Nam nên nhiều dự án quy hoạch khu đô thị cũ, mới đều bị dãn tiến độ. Để đối phó với nạn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp như giảm thuế, giảm lãi suất và một loạt các chính sách khác nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động bị mất việc làm... Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, sôi động trở lại, tạo điều kiện cho một số ngành khác tăng trưởng theo, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với bất động sản là nhà ở?

Trả lời câu hỏi này không đơn giản, bởi nó không những  phụ thuộc vào quan hệ giữa nhà đầu tư, người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường mà còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế của Chính phủ. Trong thực tế thì  "sốt" hay  "đóng băng" của thị trường bất động sản  cho ta thấy rõ mối liên hệ này và những ngày gần đây do tác động của chính sách cũng như các biến động khác của nền kinh tế mà thị trường bất động sản  đang bắt đầu lấy đà, khởi động sớm hơn so với dự kiến.

Một loạt các dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản Hà Nội đang "ấm“ lên. Tuy các giao dịch  chưa thực sự diễn ra rầm rộ, nhưng số người có nhu cầu về nhà ở, hoặc  tiền nhàn rỗi đã quan tâm đến thông tin về các dự án nhà đất, đây là việc mà  hàng tháng trời trước đây không hề thấy. Đối với các dự án cũ thuộc các quận nội thành  mà trong thời kỳ “sốt” đất, giá cả tăng đến chóng mặt vẫn là thị trường dành sự quan tâm cho những đối tượng có thu nhập cao. Ví dụ, các căn hộ cao cấp có đầy đủ tiện nghi của Ciputra (123m2 - 182m2) có giá  từ 225 - 270 ngàn USD, căn hộ tại khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính, chung cư Lò Đúc có giá từ 28 triệu/m2 đến  30 triệu/m2…

Dự án nhà giá rẻ đang được triển khai ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được  sự chú ý rất lớn của các nhà đầu tư cũng như những người có thu nhập thấp. Hiện, Chính phủ đang tiếp tục có nhiều chính sách thuận lợi hỗ trợ cho các dự án này.

Còn đối với các dự án thuộc Hà Tây trước đây, có địa điểm cách Trung tâm Hà Nội chừng hơn chục km,  thuận lợi về giao thông cũng như khả năng cung cấp tốt các dịch vụ điện, nước sạch, giáo dục, y tế…  đang là đối tượng hấp dẫn  các khách hàng có thu nhập trung bình và khá. Như dự án khu đô thị Văn Phú ngay tại Hà Đông sau khi dựng một số tấm biển panô quảng cáo và rao bán nhà chung cư với giá 12 triệu đồng/m2 đã thu hút nhiều khách hàng đến mua hoặc tham khảo thông tin.  Dọc theo trục đường quốc lộ 32, cách Trường Đại học Thương Mại chừng 5km, những người dân ở đây cho biết, hiện đã có nhiều khách hàng đến lùng, hỏi  mua đất làm nhà.

Dự án khu đô thị Tân Tây Đô thuộc xã  Tân Lập huyện  Đan Phượng - Hà Nội nằm ở phía Tây thủ đô cách Cầu Giấy 10km, nằm dọc quốc lộ 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, rất thuận lợi bởi gần cả các tuyến đường giao thông phía Tây thủ đô như quốc lộ 6 qua Hà Đông; Đường Láng - Hòa Lạc qua Thạch Thất, Quốc Oai nối tiếp với đô thị Hòa Lạc, trung tâm du lịch sinh thái Sơn Tây - Hòa Bình cũng là nơi đang rất hút khách. Theo quy hoạch, khu đô thị mới Tân Tây Đô sẽ xây các tòa nhà cao từ 18 tầng đến 25 tầng, Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp, biệt thự có diện tích từ 200m2 đến 250m2, phổ biến nhất là nhà liền kề và nhà vườn có diện tích từ 95m2 đến 130m2.

Một trong những chủ dự án Tân Tây Đô, ông  Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Thành Nhân cho biết, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành một số hạng mục của dự án hạ tầng kỹ thuật, bao gồm đường giao thông, điện, nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh. Rất mừng là lượng khách đến xem, trao đổi thông tin khá nhộn nhịp, chúng tôi cũng đã giới thiệu với khách hàng các lô đất khu liền kề có giá từ 8,5 triệu đồng - 10,5 triệu đồng/m2 tùy thuộc vào từng vị trí, còn nhà chung cư giá  thấp hơn nhiều so với các dự án khác.

Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt (MVI) vừa giới thiệu dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp TRICON TOWERS  tại Khu Bắc An Khánh - Hà Nội, cũng rất đông người quan tâm và  không ít người đang tìm cách đăng ký đầu tư.

Tất cả những điều đó  chứng tỏ thị trường bất động sản đang có xu hướng “ấm” lên hay đang ở giai đoạn khởi động lấy đà. Chưa nói sự “ấm” trở lại tại thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cũng có sức lan tỏa ra thị trường Hà Nội.

Nhưng một điều dễ thấy là, giá cả của thị trường bất động sản trong những năm tới sẽ không có hiện tượng  “bong bóng kinh tế” như thời kỳ vừa qua bởi sự “để mắt” của các cơ quan quản lý cũng như người đầu tư đã tỉnh táo hơn do bài học “bong bóng” vẫn còn quá mới.

Liệu đã tới cơ hội đầu tư sinh lời?

Sự ấm lên của thị trường bất động sản Hà Nội do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng đó là nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, tuy nhiên nhu cầu này vẫn tập trung ở những người trẻ có thu nhập trung bình và khá. Bởi lúc này họ kỳ vọng mua được nhà, đất với giá giá đất từ 8,5-10,5 triệu đồng/m2 hoặc 12 triệu - 15 triệu đồng/m2 cho nhà ở chung cư mà thuận lợi về giao thông, điện, nước... Nói như ông Nguyễn Quang Mẫn - Chủ tịch HĐQT TCty Sông Hồng, thì thị trường BĐS Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, giá nhà, đất nói chung lên cao không đúng với thực tế nhưng vào năm 2009 và những năm tiếp theo, thị trường BĐS sẽ dần dần trở về giá trị thực. Lúc này các nhà đầu tư cần phải có tính toán chi phí đầu tư hợp lý, đảm bảo có hiệu quả còn người tiêu dùng cũng mong muốn  tài sản của mình bỏ tiền ra mua đúng với giá trị của nó. Hơn nữa, theo thống kê nhiều năm gần đây thì chu kỳ sốt giá bất động sản  khoảng 5 năm, xen vào giữa là thời kỳ đóng băng... nếu vậy phải đến năm 2013 mới có thể  sốt tiếp.
Thêm vào đó, sự biến động của vàng, đô la, lãi suất tiết kiệm, chứng khoán  cũng làm cho các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng có tiền gửi tiết kiệm phải tính toán nên đầu tư vào đâu để sinh lợi trong thời điểm này. Đầu tư vào vàng có thể lợi nhưng quá mạo hiểm đối với những người ít kinh nghiệm bởi sự lên xuống bất thường của vàng. Giá vàng tăng cao trong điều kiện giá dầu hạ, lạm phát thấp là một biểu hiện lạ lùng hiếm thấy. Cần lưu ý giá vàng phụ thuộc vào giá vàng thế giới, phụ thuộc vào tỷ giá VND/USD, phụ thuộc vào yếu tố “lướt sóng” nhằm “chốt lãi” của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu cơ, nên sẽ có hiện tượng lên - xuống mạnh và như thế thì hậu quả thật khó lường! Hiện nay, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng lại giảm nên không còn hấp dẫn người gửi. Vì thế, người ta  chú ý tới kênh đầu tư bất động sản  bởi tư tưởng “người sinh, chứ đất không thể sinh được".

Một vấn đề  quan trọng không kém là các chính sách, giải pháp của Chính phủ có tác động, ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản. Theo  ông Tống Văn Nga,  Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký hiệp hội BĐS VN thì khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư BĐS trong nước là thủ tục hành chính và vốn. Chính lúc này, Chính phủ đã và đang có những nghiên cứu để giải quyết vấn đề này như việc khoanh nợ, giãn nợ, tạo kênh huy động vốn theo hướng vừa thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi của người dân và nguyên tắc công khai minh bạch trong kinh doanh bất động sản; các thủ tục hành chính về rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, đơn giản hoá thủ tục chuyển nhượng dự án; khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người mua nhà lần đầu; lập quỹ phát triển nhà ở để hỗ trợ các dự án nhà ở hoặc cho vay ưu đãi mua nhà ở đối với các đối tượng thu nhập trung bình và thấp bằng hình thức cho thế chấp bằng chính nhà ở và lãi suất thấp hơn cho vay kinh doanh; tăng thời hạn vay cho kinh doanh bất động sản hơn các ngành nghề khác; đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định... Ngoài ra, Quốc hội cũng đang xem xét việc mở rộng chính sách cho phép người Việt định cư ở nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, đây cũng là nguyên nhân tích cực, tạo “cú hích“ thêm cho sự khởi động của thị trường bất động sản.

Tất nhiên,  thị trường bất động sản Hà Nội có phát triển lành mạnh, ổn định hay không lại còn phụ thuộc vào tình hình ngăn chặn suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến Việt Nam trong những tháng tới. Sự tác động qua lại lẫn nhau giữa thị trường bất động sản và các thị trường khác sẽ theo hướng tích cực có lợi cho các nhà đầu tư nếu tháng 6/2009, chúng ta ngăn chặn suy giảm kinh tế thành công và nền kinh tế bắt đầu đà tăng trưởng.  

Theo Hà Nội Mới
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)