Có thế hệ bạn đọc từng lo lắng, văn hóa đọc ngày càng mờ nhạt, thậm chí mất đi giữa cuộc sống xô bồ. Người ta không còn dành tâm huyết để đọc sách. Tuy nhiên, có những ngày hội sách, mà ở đó văn hóa đọc vẫn thu hút đông đảo bạn đọc đủ lứa tuổi tham gia. Điều này chứng tỏ, sách cũ vẫn còn những giá trị văn hóa vượt thời gian.
Nhiều người đến hội sách cũ với mong muốn tìm lại những cuốn sách chưa được tái bản trên thị trường. Ảnh: Thanh Tâm
Đến với Hội sách Mipec (số 2 đường Long Biên 2, quận Long Biên, Hà Nội) ngày 12/6, ông Thành (là một người rất yêu sách, có thú sưu tầm sách cũ, ở quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi rất thích đến những hội sách như thế này. Ở đây tôi đã tìm được những cuốn sách quý mà tìm ở những hiệu sách trên phố hiện không có. Những cuốn sách cũ tuy có độ lùi về thời gian nhưng những giá trị nội dung tư tưởng, bài học làm người, cách đối nhân xử thế thì rất sâu sắc, thấm thía, khác hẳn với những tác phẩm, những cuốn sách đọc một lần quên ngay như hiện nay đang bán tràn lan”.
Có thể nói, sách cũ tuy cũ với người này nhưng lại mới với ngươi khác, đâu đó trong cuộc sống tấp nập, bộn bề này, sách cũ không chỉ làm ấm lòng người đọc bằng những giá trị rất riêng mà còn mang đến những bài học triết lý nhân sinh rất sâu sắc về cách đối nhân xử thế, cách học làm người.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bạn Hồng Anh, sinh viên Học viện báo chí và Tuyên truyền cho biết cảm nhận: “Mình rất thích những cuốn sách được xuất bản từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sách có nhiều loại, sách văn học, sách về khoa học đời sống. Những cuốn sách này mang lại hàm lượng giá trị rất cao. Mình tâm niện, đọc sách, trân trọng giá trị của sách thì mới tìm được những giá trị chân thiện mỹ để hoàn thiện mình hơn”.
Không chỉ những người già, các bạn trẻ cũng đến tìm đọc và mua những cuốn sách cũ. Ảnh: Thanh Tâm
Theo quan sát của phóng viên, những bạn trẻ đến đây, không chỉ đơn giản muốn tìm cho mình những cuốn sách ưng ý nhất, hay là những quyển đề cương xuất bản cách đây vài năm, vài chục năm, mà còn tìm những cuốn sách nói về triết lý cuộc đời, về lý lẽ sống đẹp, sống sạch trong văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, nhiều người cho rằng, cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, với nhịp sống hiện đại, bị cuốn theo công nghệ như hiện nay, giới trẻ chẳng còn mấy ai cần mẫn, tìm đến và đọc sách nữa. Nhưng đến với hội sách cũ mới hiểu, khoa học công nghệ đôi lúc chẳng thể nào so sánh được với sách giấy, hơn nữa còn là những cuốn sách cổ cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.
Đến hội sách cùng bạn bè, người thân, tay cầm một cuốn sách lật giở từng trang, đọc trong đó những tri thức của người xưa, ngẫm hiện tại, có thể nghiệm ra rất nhiều điều cho cuộc sống. Những cuốn sách xưa, đâu đó còn những giá trị chúng ta chưa biết hết được. Xuyên suốt cuốn sách tưởng chừng “dày cộp” ấy, là những bài học thực tế lắng đọng, đúc kết những kinh nghiệm quý báu, đôi khi đọc một lần cũng không thể nắm bắt được hết những giá trị mà cuốn sách mang lại, vì thế mà phải đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm xâu xa để hiểu hết được những ý nghĩa sâu xa cũng như bài học vàng mà cuốn sách mang lại.
Sách cũ tuy cũ nhưng những giá trị mà nó mang lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị vốn có, đó là những tinh hoa lịch sử, giá trị văn hóa còn lưu giữ lại, cũng chính là trọng trách cao đẹp của sách cũ.
Sách cũ là vô giá, chỉ có những người biết đến giá trị thật sự của sách mới hiểu và trân trọng nó, những người chỉ mua sách vì thú vui, hời hợt sẽ chẳng bao giờ tìm được những giá trị tinh túy mà sách mang đến, chẳng “thấm” được cái hay mà những người đi trước lưu giữ lại trong những trang sách cổ.
Đến với hội sách cũ, người ta sẽ thấy ở đây không chỉ lưu giữ lại những cuốn sách hay, ý nghĩa mà qua đó còn lan tỏa tinh thần đọc sách rộng rãi, đề nhiều người đọc biết đến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách.
Thưởng ngoạn, đọc sách, sưu tầm sách cũng là một nét đẹp không nên để mai một trong thời đại ngày nay.