Nhiều năm qua, bằng sức sáng tạo của các thầy cô giáo, những trường học ở Yên Bái đã xây dựng các mô hình thư viện tiên tiến, khuyến khích học sinh ham mê đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.
Học sinh Trường Tiểu học &THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái hứng thú trong thư viện.
Năm nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái không thể tổ chức Ngày hội đọc sách thường niên bởi dịch COVID-19. Nhưng có lẽ, hàng nghìn học sinh Yên Bái ngày này vẫn bồi hồi về những kỷ niệm của Ngày hội đọc sách những năm trước, nhớ cái cảm giác ngồi dưới tán bàng nghiền ngẫm từng trang sách của "thư viện xanh”.
Nhiều năm qua, bằng sức sáng tạo của các thầy cô giáo, những trường học ở Yên Bái đã xây dựng các mô hình thư viện tiên tiến, khuyến khích học sinh ham mê đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.
Những ngày này, tuy học sinh đang nghỉ học nhưng các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái ngoài nhiệm vụ chuyên môn duy trì giáo dục còn phân công tới trường để trực, để quán xuyến và giữ gìn cơ sở vật chất.
Nhìn những giá sách ngoài trời, những kệ sách ở chân cầu thang của "thư viện xanh” đã được thu gọn sách để bảo quản, các thầy cô lại nhớ hình ảnh học trò từng tốp, từng tốp chọn sách vào những giờ ra chơi. Cũng từ đây, thói quen đọc sách hình thành với những đứa trẻ vùng ven.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi xác định xây dựng thư viện vừa đảm bảo đủ tiêu chuẩn giữ vững trường chuẩn quốc gia vừa phát triển văn hóa đọc. Nhà trường đầu tư thêm sách báo cho học sinh, xây dựng các thư viện thân thiện bên ngoài các lớp học. Sách có ở khắp trong trường, từ hành lang cho đến bên trong lớp học. Mỗi góc, các thầy cô đều trang trí đẹp mắt với các khẩu hiệu mời gọi như: Sách quý như người bạn tốt, Đọc sách cùng tôi, bạn nhé!...”.
Thư viện thân thiện của nhà trường đã tạo ra phong trào đọc sách rộng khắp từ thầy cô cho tới các em học sinh. Từ đó, có những thay đổi tích cực trong cách dạy và học. Nhiều sáng kiến của thầy cô được đưa ra mang lại hiệu quả trong từng tiết học. Học sinh dễ dàng tiếp cận được với kiến thức mới, ngôn ngữ phong phú, những vận dụng liên môn rõ ràng mạch lạc.
Xác định được tầm quan trọng của thư viện nhà trường đối với phát triển văn hóa đọc trong học sinh, những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái và các địa phương, các nhà trường đã chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện phù hợp với hoạt động của học sinh.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện trường học, các chủng loại sách phù hợp với học sinh như sách truyện, sách tham khảo và sách bổ trợ các kỹ năng cho học sinh cũng được nhiều nhà trường quan tâm đầu tư.
Đến nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh có thư viện với 30% số trường có thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến. Rất nhiều thư viện trường học truyền thống trên địa bàn tỉnh đã thay đổi hình thức và phương thức hoạt động, trở thành "điểm đến” ưa thích ngoài giờ học của rất nhiều học sinh.
Tuỳ thuộc điều kiện mỗi trường học, mỗi địa phương, thư viện được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: thư viện lớp học; thư viện di động; thư viện xanh… giúp học sinh tiếp cận và đọc sách nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị.