Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Văn bản số 9525/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2020 với nội dung kiến nghị: “Cử tri kiến nghị hệ thống giao thông hiện nay chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, diện tích dành cho giao thông tĩnh không đảm bảo khiến các đô thị Việt Nam nói chung và khu vực nội thành một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ... phải đối diện với tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường. Do đó, kiến nghị cần có quy hoạch tổng thể về giao thông đô thị tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị cho phù hợp, đảm bảo không gian cho quy hoạch cây xanh, thiết chế văn hóa và dịch vụ công cộng”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 6129/BXD-QHKT ngày 22/12/2020 trả lời như sau:
1. Theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, giao thông đô thị là một trong các đối tượng của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị; là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập riêng thành đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, trong đó có quy hoạch hạ tầng giao thông.
Hiện nay, 100% đô thị trên toàn quốc đã lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị. Đối với các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, dẫn tới tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông như cử tri phản ánh. Tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, việc lập dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2019 chỉ đạt khoảng 10%, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (theo quy hoạch giao thông phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với các đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, trong đó diện tích đất dành cho bến, bãi đỗ xe cần đạt 3-4%).
2. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 06/12/2019 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng. Trong đó đã giao UBND các cấp tại địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Triển khai lập đồng bộ các loại quy hoạch đô thị, khẩn trương lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định; Rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định; Phê duyệt các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các đô thị; Lập kế hoạch đầu tư và đầu tư đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt; Không cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị trái với quy hoạch được phê duyệt, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án,...
3. Theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển quỹ đất công cộng (trong đó có chức năng công viên, đất thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thiết chế văn hóa...) được xác định trong các đồ án quy hoạch phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD (nay là Quy chuẩn QC 01:2019/BXD) về Quy hoạch xây dựng. Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2019 số 30/NQ-CP ngày 11/5/2019, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 132/BC-BXD ngày 08/10/2019 về việc quản lý quy hoạch, khai thác quỹ đất đô thị dành cho công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng tại các địa phương. Theo đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Theo đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng như sau:
a) Đối với các Bộ, ngành:
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các nguồn vốn để lập quy hoạch điều chỉnh, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng đã được xác định theo quy hoạch được duyệt;
- Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa; sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng; khuyến khích, hỗ trợ việc thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hóa tại các địa phương.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để vận hành hoạt động hiệu quả hệ thống công trình công cộng phục vụ cộng đồng.
b) Đối với UBND các cấp:
- Rà soát, ưu tiên quỹ đất phục vụ đầu tư xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt từ các dự án bị thu hồi do chậm triển khai, các khu đất sử dụng sai mục đích, hết thời hạn thuê đất, vi phạm Luật Đất đai, các quỹ đất dự kiến đưa ra đấu giá đất...
- Quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Khi phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch và cam kết thực hiện triển khai xây dựng theo đúng tiến độ đã được phê duyệt;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không triển khai xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch được duyệt hoặc chậm đầu tư xây dựng các công trình này.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 6129/BXD-QHKT.