Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 1965/BXD-KHCN (20/8/2019) xin được trả lời như sau:
1. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD quy định tại điểm 2.7.4 Quy hoạch phòng cháy, chữa cháy đô thị như sau:
“1) Mạng lưới các trạm phòng, chữa cháy: trên lãnh thổ đô thị phải bố trí mạng lưới các trạm phòng, chữa cháy gồm các trạm trung tâm và các trạm khu vực với bán kính phục vụ tối đa như sau :
- Trạm phòng, chữa cháy trung tâm: ≤ 5km;
- Trạm phòng, chữa cháy khu vực: ≤ 3km.
2) Vị trí đặt trạm phòng chữa cháy phải đảm bảo xe và phương tiện chữa cháy ra vào trạm an toàn, nhanh chóng và phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có địa hình bằng phẳng và có đủ diện tích để xây dựng công trình, sân bãi theo quy định.
- Liên hệ thuận tiện với các đường giao thông.
- Không được tiếp giáp với các công trình có đông người, xe cộ ra vào.”
2. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2622:1995 phòng cháy chống cháy cho nhà và công trình, quy định tại Mục 10.9: “Trụ nước chữa cháy ngoài nhà phải bố trí dọc theo đường giao thông, khoảng cách giữa các trụ không quá 150m. Trụ nước chữa cháy ngoài nhà phải đặt cách đường ít nhất 5m và nên bố trí ở ngã ba hay ngã tư đường. Nếu trụ bố trí ở hai bên đường xe chạy thì không nên đặt cách xa mép đường quá 2,5m, đường ống chữa cháy phải chia thành từng đoạn và tính toán để số trụ nước chữa cháy trên mỗi đoạn không nhiều quá 5 trụ.”
Như vậy: “Trạm phòng cháy chữa cháy” là trụ sở của một đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Còn “trụ nước chữa cháy ngoài nhà” là một bộ phận trong hệ thống cấp nước chữa cháy. Đây là hai quy định cho hai đối tượng khác nhau nên không phải là các quy định mâu thuẫn giữa các văn bản.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1965/BXD-KHCN.