Nội dung kiến nghị: Đề nghị rà soát, xây dựng định mức xây dựng phù hợp, sát với thực tế; cập nhật, tuyên truyền phổ biến, bổ sung các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy trình quy phạm thiết kế thi công, nhất là đối với các loại kết cấu, công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 122/BXD-KTXD xin trả lời như sau:
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng thường xuyên sửa đổi, bổ sung, cập nhật và hoàn thiện Hệ thống định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương và các chủ thể liên quan thực hiện đúng quy định.Đến nay, Bộ Xây dựng đã rà soát, loại bỏ những định mức lạc hậu, sửa đổi, bổ sung những định mức mới để công bố 11 tập định mức với tổng số hơn 12.500 mức.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh về khoa học, công nghệ, yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế thì hệ thống định mức đã công bố còn bộc lộ một số tồn tại sau:
(i) Định mức xây dựng được công bố hiện nay là định mức dự toán, được xác định cho một điều kiện chuẩn nên không phù hợp với cơ chế thị trường.
(ii) Hệ thống định mức xây dựng không theo kịp sự thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mới.
(iii) Trong định mức hiện hành chưa thể hiện rõ công nghệ, điều kiện thi công nên dẫn đến việc áp dụng tùy tiện. Thực tế thi công áp dụng công nghệ mới tiên tiến, có năng suất cao hơn rất nhiều nhưng nhiều người lập dự toán vẫn áp dụng định mức đã có theo công nghệ cũ làm tăng chi phí (có trường hợp còn áp dụng trị số định mức cũ nhưng lại áp dụng giá ca máy của máy mới năng suất cao, làm cho giá xây dựng tăng cao).
(iv) Cơ chế quản lý định mức xây dựng do nhà nước công bố, chủ đầu tư có quyền vận dụng hoặc sửa đổi, hoặc xây dựng định mức mới, tuy nhiên trong thực tế hệ thống định mức này vẫn được áp dụng cứng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp áp dụng không phù hợp. Thực tế nhiều chủ đầu tư, tư vấn áp dụng định mức, hoặc sửa đổi, hoặc lập định mức mới để áp dụng theo hướng có lợi cho mình gây thất thoát, lãng phí.
(v) Trong quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thanh tra, kiểm toán vẫn sử dụng hệ thống định mức công bố. Điều này dẫn đến những khó khăn bất cập trong quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng của chủ đầu tư, tư vấn.
(vi) Quy trình thỏa thuận định mức còn phức tạp, chưa áp dụng công nghệ thông tin cho việc thỏa thuận định mức chuyên ngành, định mức đặc thù nên thời gian thỏa thuận định mức còn dài.
(vii) Thiếu hệ thống định mức cơ sở vể năng suất lao động và năng suất máy, thiết bị thi công cho việc xác định đơn giá, dự toán. Trong thời gian qua chỉ có định mức sử dụng vật liệu trong xây dựng là được quan tâm rà soát sửa đổi và bổ sung, tuy chủ yếu mới chỉ là cập nhật theo các hao phí vật liệu trong các định mức dự toán xây dựng sửa đổi, bổ sung đã công bố.
(viii) Năng lực của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan chuyên môn trong việc điều chỉnh, sủa đổi định mức đã có và xây dựng định mức mới còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống định mức xây dựng, hiện nay Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan xây dựng Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” và trình đã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2017.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là: hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2017 – 2021 và những năm tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là: hoàn thiện các phương pháp mới về xây dựng định mức và giá xây dựng vào năm 2018 và xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới vào năm 2021.
Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2017.
Bộ Xây dựng cho rằng sau khi hai Đề án được triển khai và cùng với việc thực hiện một số giải pháp khác (như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn) thì việc lãng phí trong đầu tư xây dựng sẽ được khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 122/BXD-KTXD.