Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thứ tư, 16/01/2019 09:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 471/BDN thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng với nội dung kiến nghị: “Theo quy định hiện nay các công trình có giá trị trên 15 tỷ đồng thì hồ sơ xin phép xây dựng phải thông qua ba bước: thiết kế cơ sở, thiết kế thi công chi tiết và giấy phép xây dựng. Thông thường để thực hiện hoàn tất ba nội dung trên sẽ mất ít nhất 4 tháng (120 ngày). Do đó cử tri kiến nghị đối với các doanh nghiệp FDI, và doanh nghiệp tư nhân kiến nghị gộp ba nội dung trên trong cùng một hồ sơ làm cơ sở cấp phép xây dựng (thay vì phải tách ra làm ba lần trình hồ sơ), tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng và đi vào hoạt động”.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 73/BXD-HĐXD ngày 15/01/2019 xin được trả lời như sau:

Đối với các dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân (dự án sử dụng vốn khác), Luật Xây dựng quy định đối tượng cần thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công tại cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm công trình cấp đặc biệt, công trình cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng (không phải toàn bộ công trình có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ). Điều 50 Luật Xây dựng quy định trình tự đầu tư xây dựng có 03 giai đoạn gồm chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Việc thẩm định thiết kế cơ sở được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án làm cơ sở cho quyết định đầu tư. Trong giai đoạn này, chủ đầu tư còn cần thực hiện các thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư, lấy ý kiến về giải pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy; lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, thỏa thuận đấu nối với các cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật về cấp điện, cấp thoát nước, đấu nối giao thông, thỏa thuận tĩnh không... Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư thì các bước này có thể thực hiện song song đồng thời và theo cơ chế một cửa liên thông (hiện nay, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã có Quy chế phối hợp cho công tác thẩm định, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, kiểm tra công tác nghiệm thu cũng như Bộ Xây dựng đang tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục). Việc gộp các nội dung trong cùng hồ sơ cấp phép xây dựng làm giảm số lần phải thực hiện thủ tục tại cơ quan chuyên môn về xây dựng song cũng có rủi ro cho chủ đầu tư khi thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở cùng thời điểm cấp phép xây dựng (đã hoàn tất nhiều thủ tục và triển khai thực hiện) phát hiện các yếu tố chưa phù hợp về quy hoạch xây dựng, chủ trương đầu tư,... cần sửa đổi và phải quay lại điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, các thủ tục khác gây lãng phí thời gian và công sức.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang rà soát sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản. Bộ Xây dựng ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc gộp bước thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi các Luật nêu trên.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 73/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)